Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam: Khó có khả năng lây ra cộng đồng
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh nội dung về khả năng xét nghiệm, phát hiện sớm bệnh đậu mùa khỉ và nguy cơ lây bệnh ở nước ta.
GS.TS Phan Trọng Lân cho biết, rất khó có khả năng trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở nước ta lây ra cộng đồng. Ảnh: VGP/HM |
Thưa ông, hiện nay việc quản lý bệnh nhân đầu tiên mắc đậu mùa khỉ ở nước ta như thế nào?
GS.TS Phan Trọng Lân: Đây là trường hợp bệnh nhân mắc bệnh ở nước ngoài, sau 4 ngày thì về Việt Nam, ghi nhận các biểu hiện lâm sàng ngày 18/9 và ngày 22/9 về Việt Nam, ngày 23/9 đã chủ động đến khám ở BV Từ Dũ. Sau đó được tư vấn vào BV Da liễu TPHCM, tiếp theo được chuyển sang BV Bệnh nhiệt đới TPHCM. Toàn bộ quá trình chuyên môn kỹ thuật tại các cơ sở điều trị đã được khuyến cáo.
Trường hợp này khi về Việt Nam đã tới ngay cơ sở khám chữa bệnh. Các trường hợp có tiếp xúc, bao gồm những người trong gia đình và cán bộ y tế ngay từ đầu đã có sự theo dõi, giám sát. Đến nay, sau hơn 10 ngày, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân vẫn không có biểu hiện mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Về nguồn lây, đây trường hợp đã ở nước ngoài hơn 60 ngày và có biểu hiện ở nước ngoài, tức là mắc bệnh từ nước ngoài, chứ không phải mắc bệnh tại Việt Nam. Kể từ khi phát hiện nghi ngờ, bệnh nhân đã được coi như một trường hợp dương tính, vì vậy Bộ Y tế và TPHCM đã xử lý toàn bộ các khâu giám sát, xét nghiệm, khoanh vùng... theo hướng dẫn khuyến cáo.
Ông có nhận định như nào về nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam sau ca bệnh này?
GS.TS Phan Trọng Lân: Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân trên, ngay từ đầu đã được giao các viện, Sở Y tế TPHCM khoanh vùng xử lý, nguồn lây từ nước ngoài là bệnh nhân cũng đã được cách ly, điều trị. Vì vậy, rất khó có khả năng trường hợp này lây ra cộng đồng tại Việt Nam.
Bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đã ghi nhận ở trên 106 nước ngoài vùng lưu hành bệnh (châu Phi). Với tần suất mắc cao, địa bàn rộng, việc giao lưu đi lại không hạn chế thì nguy cơ xâm nhập bệnh tại Việt Nam là hiện hữu.
Tuy nhiên, dù sự xâm nhập có hay không, chúng ta cũng đã có sự chuẩn bị sẵn sàng từ sớm. Các cơ sở y tế luôn phải nâng cao cảnh giác. Và mỗi người dân khi có biểu hiện nghi ngờ thì đến ngay các cơ sở y tế khai báo sớm để bản thân được phát hiện bệnh sớm và được tư vấn, điều trị sớm, đồng thời tránh lây nhiễm cho người khác.
Với bệnh nhân này đã có biểu hiện đặc trưng nào nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ, thưa ông?
GS.TS Phan Trọng Lân: Với trường hợp này có biểu hiện sốt, đau người, đặc biệt có mụn nước, mụn mủ - đây là thời kỳ lây nhiễm bệnh. Các biểu hiện này phân biệt với bệnh khác.
Cách đây không lâu, WHO cho rằng, các kít test xét nghiệm đậu mùa khỉ hiện nay trên thế giới rất hiếm. Vậy làm thế nào để chúng ta phát hiện các ca bệnh, thưa ông? Năng lực xét nghiệm của Việt Nam với bệnh đậu mùa khỉ như thế nào?
GS.TS Phan Trọng Lân: Đối với ca bệnh này tương tự như ca bệnh COVID-19 đầu tiên phát hiện tại Việt Nam. Chúng ta có những sinh phẩm sơ khai để làm được xét nghiệm, ít nhất là để phân biệt và kết luận được bệnh, cũng coi như triển khai các biện pháp phòng chống. Đồng thời, ngành y tế cũng sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế để có các sinh phẩm nghiên cứu, sinh phẩm thương mại để xét nghiệm.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ triển khai giải trình tự gene để đáp ứng nhu cầu khi có những ca cần xét nghiệm.
Hiện nay, các trường hợp có nghi ngờ đầu tiên về lâm sàng, chúng ta đều xét nghiệm được bằng Realtime PCR và giải trình tự gene để phát hiện được ca bệnh.
Chúng tôi cũng sẽ thường xuyên cập nhật, phối hợp với các tổ chức quốc tế để bảo đảm cập nhật kịp thời sinh phẩm, phương pháp chẩn đoán...
Hiện nay, chúng ta xây dựng kịch bản như nào khi đã phát hiện ca bệnh đầu tiên, thưa ông?
GS.TS Phan Trọng Lân: Hiện nay, ngành y tế đã xây dựng kịch bản khi chưa có ca bệnh, khi có ca xâm nhập và khi có ca lây trong cộng đồng. Các kịch bản đều linh hoạt để bảo đảm kịp thời phòng chống dịch.
Tỉ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới như nào thế nào, thưa ông?
GS.TS Phan Trọng Lân: Hiện nay, có 2 chủng lưu hành chính ở Tây Phi và Trung Phi, trong đó chủng lưu hành ở Tây Phi thì nhẹ hơn. Hầu hết các ca bệnh ghi nhận lưu hành ngoài châu Phi như châu Âu, Mỹ và các quốc gia khác ghi nhận là chủng ở Tây Phi. Ca bệnh ghi nhận ở Việt Nam cũng là chủng của Tây Phi.
Với chủng ở Tây Phi, tỉ lệ tử vong thấp hơn so với chủng ở Trung Phi. Tuy nhiên, cần có các đánh giá dịch tễ sâu hơn ở các ca bệnh trên các lứa tuổi khác nhau, các đối tượng có thể có nguy cơ cao mắc bệnh nặng như trẻ em, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch.
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh như có hoạt động liên quan tiếp xúc gần như da với da, miệng với da, mặt với mặt đối diện trong giao tiếp, các hoạt động tình dục với người có nguy cơ cao mắc bệnh.
Xin cảm ơn ông!
(Theo baochinhphu.vn)