Xã hội bình đẳng là một xã hội đảm bảo an sinh xã hội, không phân biệt giới
(ABO) Cùng với cả nước, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (gọi tắt là Tháng hành động) năm 2023.
Nhân sự kiện này, đồng chí Lý Văn Cẩm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Tiền Giang đã có những chia sẻ về ý nghĩa của bình đẳng giới, mục tiêu hướng đến Tháng hành động, cũng như thực trạng bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Quang cảnh Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023. |
Đồng chí Lý Văn Cẩm cho rằng, bình đẳng giới là vấn đề mang tính toàn cầu và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người, mà còn là nền tảng cần thiết cho một xã hội hòa bình và thịnh vượng. Đặc biệt tại Việt Nam, Chính phủ đã quyết định lấy từ ngày 15-11 đến ngày 15-12 hằng năm là Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và triển khai rộng khắp trên phạm vi toàn quốc. Đây là những hoạt động thường niên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng xã hội về vai trò và tầm quan trọng của công tác bình đẳng giới, là cơ hội để tất cả chúng ta có những hành động và việc làm thiết thực, góp phần phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Sáng 14-11, tại Nhà văn hóa xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023. Tham dự lễ phát động có các đồng chí: Nguyễn Thành Diệu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh; Lý Văn Cẩm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở LĐTB&XH, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh… Phát biểu tại lễ phát động, đồng chí Nguyễn Thành Diệu đề nghị các cơ quan, tổ chức, gia đình và mỗi cá nhân cần tiếp tục đồng hành trên quan điểm trao cơ hội công bằng cho cả nam giới và trẻ em trai, phụ nữ và trẻ em gái để họ có thể học tập, làm việc và rèn luyện các kỹ năng khác nhau dựa trên chính năng lực, sở trường của mỗi cá nhân không lệ thuộc vào định kiến của xã hội. Một địa phương phát triển bền vững và “không ai bị bỏ lại phía sau” là địa phương mà nơi đó nam giới, nữ giới có vị trí, vai trò ngang nhau. Mục tiêu đó sẽ trở thành hiện thực nếu chúng ta cùng hành động, cùng chung tay thực hiện bằng tinh thần và trách nhiệm cao. |
* Phóng viên (PV): Như vậy, ý nghĩa của chủ đề Tháng hành động năm nay là gì, thưa đồng chí?
* Đồng chí Lý Văn Cẩm: Tháng hành động năm 2023 được phát động với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Đây là chìa khóa để xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, là tháng cao điểm, là chuỗi hoạt động đa dạng, huy động sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành và toàn xã hội cùng hành động để thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới. Vận động toàn xã hội chủ động, tích cực hành động nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tạo sự thay đổi tích cực nhằm xóa bỏ bất bình đẳng giới trong xã hội.
Đồng chí Lý Văn Cẩm phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023. |
* PV: Đồng chi cho biết, trong Tháng hành động, Tiền Giang sẽ có những hoạt động gì để thúc đẩy sự chung tay của cộng đồng vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới?
* Đồng chí Lý Văn Cẩm: Tháng hành động năm nay diễn ra từ ngày 15-11 đến ngày 15-12, cấp tỉnh tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, như: Hội thi Tìm hiểu kiến thức, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tập huấn, hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ; Hội nghị chuyên đề “Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” nhân Ngày Quốc tế Nam giới. Bên cạnh đó, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh phát hành tài liệu, ấn phẩm truyền thông tại các huyện, thành, thị nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong cộng đồng.
Cán bộ Sở LĐTB&XH truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho cộng đồng. |
Đây cũng chính là điểm nhấn, tạo nên chiến dịch truyền thông vì bình đẳng giới, thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng... Qua đó, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; tiếng nói của nạn nhân bị bạo lực, bị xâm hại được ghi nhận và hỗ trợ, giải quyết kịp thời.
* PV: Đồng chí nhìn nhận như thế nào về thực trạng bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh hiện nay?
* Đồng chí Lý Văn Cẩm: Đối với tỉnh Tiền Giang, trong những năm qua cùng với việc đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Việc nhận thức về bình đẳng giới trong các cấp, các ngành và xã hội có nhiểu chuyển biến tích cực; phụ nữ ngày càng được tôn trọng và bình đẳng; vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng được khẳng định. Các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh luôn phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, bất bình đẳng giới trong cơ hội việc làm, lựa chọn nghề nghiệp, thu nhập, trong chính sách đối với lao động nữ và cả trong gia đình đã làm cho khoảng cách giới trong nhiều lĩnh vực chưa được thu hẹp. Một số nơi sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về công tác bình đẳng giới chưa đầy đủ, kịp thời; định kiến giới còn tồn tại trong một bộ phận người dân, nhất là ở vùng nông thôn; vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn xảy ra.
Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã đến lúc cả xã hội phải vào cuộc với tinh thần “Lên tiếng phản ánh đi đôi với hành động bảo vệ”, chúng ta hiểu rằng có những thay đổi không thể thực hiện được nhờ pháp luật mà thay đổi quan trọng nhất và khó khăn nhất là thay đổi từ chính bản thân mỗi người. Dù chúng ta đã có nhiều tiến bộ, nhưng chúng ta vẫn còn đâu đó bó hẹp mình trong những định kiến về giới thì bất bình đẳng về giới và bạo lực trên cơ sở giới sẽ còn tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tiếng nói của nạn nhân bị bạo lực, bị xâm hại sẽ thiếu đi sức mạnh nếu không có sự giúp đỡ, chia sẻ từ người thân, từ cộng đồng xã hội và trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Bất bình đẳng giới sẽ không thể chấm dứt nếu thiếu đi sự chung tay, cùng vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Một xã hội bình đẳng là một xã hội đảm bảo an sinh xã hội, không phân biệt giới, không bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Mục tiêu đó sẽ trở thành hiện thực nếu tất cả các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng cùng chủ động cam kết và có các hành động cụ thể, thiết thực. Hãy xem công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới không chỉ là nhiệm vụ của riêng cơ quan quản lý nhà nước mà là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và cộng đồng. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội sẽ tạo nên sức mạnh hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường an toàn, bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em.
Thay mặt Cơ quan Thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, tôi kính đề nghị tất cả các cấp, các ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi người dân bằng hành động cụ thể hưởng ứng một cách tích cực nhất và hiệu quả nhất công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
THỦY HÀ (thực hiện)