.

Serbia và Kosovo hội đàm trực tuyến dưới sự chủ trì của EU

Cập nhật: 12:41, 13/07/2020 (GMT+7)

Các nhà lãnh đạo Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo ngày 12-7 đã tổ chức các cuộc hội đàm trực tuyến dưới sự chủ trì của Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh hai bên tìm kiếm một giải pháp cho một trong những tranh cãi lãnh thổ phức tạp nhất tại châu Âu.

Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã kêu gọi hai bên chứng tỏ "dũng khí chính trị" để tìm ra một giải pháp, đồng thời cho rằng việc thiếu một giải pháp sẽ hạn chế tiến triển kinh tế và có nguy cơ dẫn tới tình trạng bất ổn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và người đứng đầu chính quyền Kosovo Avdullah Hoti tại Paris ngày 10-7-2020. Nguồn: EPA
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và người đứng đầu chính quyền Kosovo Avdullah Hoti tại Paris ngày 10-7-2020. Nguồn: EPA

Trước khi các cuộc hội đàm bắt đầu, ông Borrell, người chủ trì hội đàm cùng với Đại diện đặc biệt của EU về đối thoại này Miroslav Lajcak, nhấn mạnh: "Việc không có một giải pháp đang cản trở sự phát triển của cả hai bên", đồng thời cho hay mục đích của hội đàm là tái khởi động công việc về bình thường hóa quan hệ giữa hai bên.

Ngoài hai đại diện của EU, cuộc hội đàm trực tuyến này có sự tham gia của người đứng đầu chính quyền Kosovo Avdullah Hoti và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic.

Hồi cuối tháng 6 vừa qua, cuộc đối thoại giữa Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo được lên kế hoạch tổ chức tại Nhà Trắng đã sụp đổ sau khi người đứng đầu chính quyền Kosovo Avdullah Hoti hủy chuyến đi đến Mỹ.

Ông Hoti đưa ra quyết định trên sau khi người đứng đầu vùng lãnh thổ Kosovo Hashim Thaci hủy chuyến thăm Mỹ do bị cáo buộc phạm các tội ác chiến tranh vì vai trò của ông trong cuộc chiến tranh Kosovo vào những năm 1998 - 1999.

Vùng lãnh thổ Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia năm 2008. Đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn chia rẽ trong việc công nhận vùng lãnh thổ này.

Chính phủ Serbia không công nhận Kosovo là quốc gia có chủ quyền, song đã bắt đầu bình thường hóa quan hệ với chính quyền Kosovo nhằm hướng tới mục tiêu gia nhập EU.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/serbia-va-kosovo-hoi-dam-truc-tuyen-duoi-su-chu-tri-cua-eu/651333.vnp)

.
.
.