.

Cần đưa nội dung phòng,chống ma túy vào nghị quyết nhiệm kỳ

Cập nhật: 21:32, 27/09/2018 (GMT+7)

Thực tế diễn ra thời gian qua cho thấy ma túy thế hệ mới đang là thảm họa của toàn cầu không riêng ở Việt Nam. Nó tác động lớn đến sự tồn vong của một thế hệ; làm băng hoại đạo đức, và gây bất an cho xã hội. Đây cũng không là vấn nạn mới, bởi 10 năm trước, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 21-CT-TW (Chỉ thị 21) về tiếp tục tăng cường sự lãnh, chỉ đạo trong đấu tranh phòng, chống, kiểm soát ma túy trong tình hình mới.

Ở Tiền Giang, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 21, các cấp ủy, chính quyền đã lãnh đạo, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.Tuy nhiên, tội phạm về ma túy và người nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng và trẻ hóa.

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 21 do Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức, những hạn chế, khó khăn trong công tác lãnh đạo và triển khai việc phòng chống ma túy đã được mổ xẻ, nhiều ý kiến cho rằng cuộc chiến chống ma túy vẫn còn lắm cam go.

Tuy nhiên, khó khăn không có nghĩa là chùn bước, mà cần phải quyết liệt hơn, tập trung triển khai thực hiện tiếp Chỉ thị 21, xem đây là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và lâu dài của các cấp ủy đảng như ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh tại Hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang nhận định có 3 nguyên nhân chính làm cho công tác phòng, chống ma túy còn hạn chế là:  do thiếu sự quan tâm của gia đình và nhà trường; công tác tuyên truyền thời gian qua chưa hiệu quả và công tác cai nghiện còn nhiều bất cập. Vì thế cần đưa việc tuyên truyền giáo dục về tác hại ma túy vào trong trường học.

Trước đó, trong ý kiến của mình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Đức cũng đã lưu ý đến đối tượng học sinh hai cấp trung học, đây là đối  tượng dễ bị lôi kéo, vì thế khuyến khích việc học 2 buổi/ ngày để quản lý học sinh.Tiếp tục duy trì mô hình xã, phường không có ma túy, nhưng cần đi vào thực chất. Đặc biệt, trong việc phòng, chống ma túy cần huy động cả hệ thống chính trị, không nên xem đây chỉ là nhiệm vụ của ngành công an, hay ngành lao động - xã hội. Cần đầu tư cho Trung tâm cai nghiện theo hướng thân thiện hơn nhưng vẫn đảm bảo an ninh trật tự.

Về phương hướng trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị, Kết luận 95 KL/TW của Ban Bí thư, gắn với các Nghị quyết, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống, cai nghiện ma túy trong tình hình mới. Đặc biệt là các Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh Tiền Giang về công tác này. Cần đưa nội dung phòng, chống ma túy vào nghị quyết định kỳ và nhiệm kỳ của đảng bộ, chi bộ các cấp, các ngành để lãnh đạo nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy.

VI THẢO


 

.
.
.