Trăn trở cùng cây khóm
Cây khóm gắn bó lâu đời với người dân huyện Tân Phước và đã giúp không ít hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Thế nhưng, khoảng 2 năm trở lại đây, giá khóm thường xuyên ở mức thấp khiến nhiều hộ dân trăn trở.
Nhiều nông dân không còn mặn mà với cây khóm vì giá của trái cây đặc sản này ở mức thấp kéo dài. |
Sau thời gian phát triển mạnh (từ năm 2012 - 2016) do giá khóm thường xuyên ở mức cao, có khi lên đến 10.000 đồng/kg, đã giúp nhiều hộ dân ở vùng đất phèn đổi đời nhanh chóng.
Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay người dân trồng khóm lâm vào cảnh lao đao, khi giá khóm thường xuyên ở mức thấp. Anh Nguyễn Văn Tám, xã Tân Lập 2 cho biết: “Thời gian qua, có thời điểm giá khóm chỉ còn 2.000 đồng/kg.
Với mức giá này, người trồng khóm đất nhà, không thuê nhân công có thể thu được vốn. Những hộ thuê đất để trồng, thuê nhân công chắc chắn bị lỗ vốn”.
Còn anh Nguyễn Hoàng Quân, ngụ cùng xã chia sẻ: “Cùng với giá khóm xuống thấp, thời gian qua năng suất khóm cũng không cao, khóm lại bị bệnh nhiều hơn so với trước đây, đặc biệt là bệnh đỏ lá, nên người trồng khóm gặp nhiều khó khăn. Thực ra, cũng có lúc giá khóm tăng nhưng chỉ trong thời gian ngắn rồi xuống trở lại”.
Trước tình hình này, không ít nông dân đã chuyển đổi từ trồng khóm sang trồng các loại cây khác như: Thanh long, mít, cam… Và với tình hình này, việc chuyển đổi cây trồng đặc sản này vẫn đang tiếp tục.
Anh Nguyễn Văn Tâm, xã Thạnh Mỹ bày tỏ: “Ngày trước đất nhiễm phèn nặng, nhờ cây khóm mà gia đình tôi mới bám trụ được ở vùng đất này và có được cuộc sống ổn định hôm nay. Nhưng trước tình hình giá khóm bấp bênh kéo dài này, tôi dự định thu hoạch xong lứa khóm này sẽ chuyển sang trồng thanh long”.
Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ Nguyễn Thanh Hoàng cho biết, toàn xã hiện có 2.200 ha trồng khóm, giảm 80 ha so với năm 2017. Chủ trương của xã là duy trì ổn định diện tích khóm.
Theo đó, sắp tới xã sẽ tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân để nâng năng suất và chất lượng khóm; đồng thời, tích cực vận động các doanh nghiệp thu mua khóm nhằm đảm bảo đầu ra cho nông dân trồng khóm.
Còn Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước Huỳnh Văn Bườn cho biết, huyện Tân Phước hiện có 16.400 ha khóm, giảm 200 ha so với năm 2007. Để nâng cao chất lượng, tìm đầu ra ổn định cho trái khóm giúp người dân giữ cây trồng đặc sản này, huyện sẽ vận động người dân sản xuất theo mô hình trồng khóm chất lượng cao như VietGAP, GlobalGAP; thành lập các hợp tác xã trồng và tiêu thụ khóm để tìm đầu ra ổn định cho trái cây đặc sản này.
QUỐC TUẤN