.
Câu chuyện cây ăn trái:

Bài 3: Nhìn vào dư địa

Cập nhật: 15:47, 25/04/2019 (GMT+7)

(ABO) Những vấn đề nội tại của ngành Nông nghiệp, đúng hơn là đối với cây ăn trái, cần được nhìn nhận, đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau. Bởi suy cho cùng, thực tế đang đặt ra là một bên là lợi ích kinh tế gắn chặt với đời sống của nông dân, một bên là quy hoạch và định hướng phát triển của cơ quan quản lý nhà nước sẽ rất khó song hành với nhau.

1. Nếu có dịp tham gia các hội nghị quan trọng do các bộ, ngành tổ chức, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển thôn (NN-PTNT) mang tính chuyên đề mới có thể có cái nhìn tương đối toàn diện về bức tranh về cây ăn trái của cả nước, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Không có lý do gì chỉ trong thời gian ngắn tại các tỉnh, thành phía Nam, Bộ NN-PTNT liên tục tổ chức các hội nghị mang tính chuyên đề về cây ăn trái với quy mô lớn, có sự tham dự của nhiều tỉnh, thành. Gần đây nhất là Hội nghị Thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu trái cây được tổ chức tại tỉnh Tiền Giang vào tháng 12-2017, tiếp đó là Hội nghị Thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả phía Nam tổ chức tại tỉnh Long An vào tháng 3-2019.

Dư địa của trái cây còn rất lớn.
Dư địa của trái cây còn rất lớn.

Chưa kể, Hội nghị Đánh giá năng lực và Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp khu vực phía Nam” do Bộ NN-PTNT phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức vào tháng 10-2018 hay Hội nghị Xúc tiến đầu tư - tiêu thụ, phát triển nông nghiệp, nông thôn Tiểu vùng Đồng Tháp Mười tổ chức tại tỉnh Long An vào tháng 11-2017…

Một điểm tương đồng là nội dung chính của các hội nghị này vẫn phần nhiều xoáy vào cây ăn trái. Đó là câu chuyện về tiềm năng, cơ hội và thách thức của từng loại cây trồng cũng như những khuyến cáo đã được đưa ra từ các nhà chuyên môn, chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước.

Thị trường mở rộng

Số liệu của Bộ NN-PTNT cho thấy, nếu như năm 2004 Việt Nam có 13 thị trường xuất khẩu rau quả có giá trị trên 1 triệu USD, đến năm 2018 đã có 13 thị trường lớn có giá trị xuất khẩu trên 25 triệu USD. Việt Nam trở thành nước xuất siêu rau quả trong những năm gần đây.

Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu xuất khẩu rau quả của Việt Nam, từ 218 triệu USD năm 2012 lên hơn 2,7 tỷ USD năm 2018, chiếm đến 73% thị phần. Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, đây là thị trường lớn cần phát huy khai thác. Bên cạnh đó, tiếp tục nỗ lực mở rộng thị trường nhằm phát triển sản xuất, xuất khẩu rau quả Việt Nam có giá trị cao và bền vững.

Lắng nghe ý kiến ở hầu hết các hội nghị quan trọng do Bộ NN-PTNT tổ chức vừa qua chúng tôi mới nhận thấy được rằng, dù hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về sự “bùng nổ” diện tích trồng cây ăn trái, việc phá vỡ quy hoạch kể cả những khuyến cáo đã được các chuyên gia đặt ra. Nhưng suy cho cùng, dư địa để tận dụng và khai thác cây ăn trái vẫn chiếm phần ưu thế hơn. Vấn đề cốt yếu hiện nay là tận dụng ưu thế này ở mức nào để mang lại hiệu quả mới là điều đáng được bàn cãi.

Qua các hội nghị quan trọng của Bộ NN-PTNT tổ chức vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh vẫn luôn khẳng định, dựa trên tình hình thực tế về tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu và dự báo, trong thời gian tới tiềm năng phát triển trái cây còn rất nhiều “dư địa”, cả về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu và kinh nghiệm canh tác của nông dân đã được nâng lên, đặc biệt là thị trường tiêu thụ trong nước và trên thế giới.

Bởi theo đánh giá của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, nếu nhìn vào giao dịch thương mại trên thế giới, vào năm 2004 tổng giá trị thương mại trái cây của thế giới chỉ vào khoảng 111 tỷ USD, đến những năm gần đây đã đạt trên 230 tỷ USD. Điều này đã mở ra cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam. Ngay cả thị trường trong nước, với gần 100 triệu dân và với xu thế người dân ngày càng sử dụng nhiều rau quả hơn, giảm lượng tinh bột, cũng sẽ là cơ hội tốt để ngành hàng trái cây phát triển.

2. Không chỉ được đánh giá từ các cơ quan quản lý nhà nước, mà các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp chuyên kinh doanh, xuất khẩu trái cây cũng đã chia sẻ nhiều xu hướng mang tính tích cực đối với cây ăn trái.

Một số trái cây đặc sản của Tiền Giang.
Một số trái cây đặc sản của Tiền Giang.

Là người nhiều năm gắn bó với cây ăn trái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước, trao đổi gần đây với chúng tôi, PGS.TS. Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cũng cùng quan điểm rằng, tiềm năng phát triển cây ăn trái của Việt Nam còn rất lớn, nhất là đối với cây bơ, mít hay sầu riêng. “Dư địa” phát triển cũng còn khá lớn đối với trái chuối. PGS.TS. Nguyễn Minh Châu đưa ra dẫn chứng, nếu đầu tư nhà máy sấy chuối, sản phẩm chế biến có thể mang lại giá trị tăng khoảng 5 lần so với bán trái tươi như hiện nay.

“Tất nhiên, khâu ách tắc của ngành Nông nghiệp vẫn là vấn đề liên kết sản xuất. Thực tế cho thấy, thông qua hình thức hợp tác xã hay tổ hợp tác có thể tạo ra được sản lượng lớn, đồng nhất, trên một quy trình thống nhất chứ không cần phải có diện tích lớn. Quy luật của thị trường là chất lượng ngon, đồng đều và có thương hiệu. Để giải bài toán này, bên cạnh khâu tuyên truyền, Nhà nước cần xoắn tay vào cùng làm”- PGS.TS. Nguyễn Minh Châu cho biết.

Câu chuyện về dư địa hay tiềm năng của cây ăn trái cũng được ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina và T&T Group, đơn vị chuyên kinh doanh, xuất khẩu trái cây nhìn nhận rằng, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ rất lớn đối với trái cây của Việt Nam và hiện các doanh nghiệp của Việt Nam chỉ khai thác được khoảng 5% thị trường này.

Ông Nguyễn Đình Tùng cũng chia sẻ thêm rằng, từ năm 2008, lô thanh long đầu tiên của Việt Nam đã xuất vào thị trường Hoa Kỳ và đến nay đã tăng vượt bậc, nhất là giai đoạn từ năm 2015 đến nay sau khi các doanh nghiệp áp dụng được công nghệ bảo quản và hình thành được vùng trồng bảo đảm chất lượng xuất khẩu.

Xu hướng xuất nhập khẩu rau quả của Việt Nam (ĐVT: Triệu USD).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 Nhìn về chặng đường tương lai, ông Nguyễn Đình Tùng cũng nhìn nhận rằng, sân chơi trên thị trường Hoa Kỳ còn rất lớn và hiện nay Trung Quốc cũng đang siết chặt đối với việc nhập khẩu nông sản của Việt Nam, do đó khâu sản xuất cây ăn trái của Việt Nam nói chung sẽ phải thay đổi để thích ứng với nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Miễn sản xuất tạo ra sản phẩm tốt, liên kết chặt chẽ sẽ mở ra rất nhiều cơ hội để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Ngay trên địa bàn Tiền Giang, sau sự kiện trái vú sữa lần đầu tiên có mặt ở thị trường Hoa Kỳ hay xoài cát Hòa Lộc có mặt để phục vụ bữa ăn trên các chuyến bay của Vietnam Airlines, ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản Cát Tường cũng cho rằng, trong thời gian qua công ty cũng đã xuất khẩu nhiều loại trái sang nhiều thị trường khác nhau, nhất là các loại trái cây đặc sản của Tiền Giang.

Với lợi thế là có nhà máy đóng gói đáp ứng yêu cầu xuất sang thị trường Hoa Kỳ, có máy xử lý nhiệt để xuất đi các thị trường có yêu cầu xử lý nhiệt, nên tới đây đối với bất kỳ nhu cầu của thị trường nào, công ty cũng có thể đáp ứng được. Với kinh nghiệm vừa qua, ông Đoàn Văn Sang cũng cùng chung nhận định rằng, nhu cầu tiêu thụ trái cây có chất lượng còn rất lớn nhưng công ty không đủ sản lượng để đáp ứng.

Nhìn vào bức tranh chung và những dự báo cho tương lai, việc lựa chọn bước đi như thế nào thích hợp đối với cây ăn trái của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Tiền Giang nói riêng mới là điều quan trọng…

A.P

(Còn tiếp)

.
.
.