.

Gạo ngon nhất thế giới nhưng chưa được bán

Cập nhật: 21:14, 28/11/2019 (GMT+7)
Sau gần 1 năm kể từ khi Bộ NN&PTNT công bố logo thương hiệu gạo Việt, đến nay vẫn chưa có hạt gạo nào của Việt Nam xuất khẩu được gắn logo thương hiệu gạo Việt Nam.
 
Ông Nguyễn Anh Dũng, đại diện Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, mặc dù, Bộ NN&PTNT đã tiến hành đăng ký thương hiệu quốc tế “Gạo Việt Nam” qua hệ thống Madrid từ tháng 12-2018. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, hồ sơ logo này vẫn chưa được thông qua nên vẫn chưa có lô gạo nào của Việt Nam được gắn logo thương hiệu gạo Việt trên bao bì để xuất khẩu.
 
a
Anh hùng lao động Hồ Quang Cua (bìa trái) trao biểu tượng “gạo ngon nhất thế giới” vừa giành được tại hội thi cho lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng. Ảnh H.K
Ý thức chung về gạo Việt
 
Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An-Phạm Thái Bình cho rằng: “Không phải vẽ logo đẹp gắn vào sản phẩm là thành công mà vấn đề là làm sao để thương hiệu đó đi vào lòng người. Muốn vậy thì các doanh nghiệp phải cùng áp dụng quy trình sản xuất, chế biến đạt quy chuẩn và cam kết chất lượng ổn định lâu dài, khi sản phẩm tạo dựng được lòng tin dùng thì thương hiệu mới được khuếch trương, bền vững”.
 
Cùng quan điểm, theo GS.TS Võ Tòng Xuân: “Logo đề "Gạo Việt Nam" tức là của tập thể gần 100 triệu dân, nên không biết ai chịu trách nhiệm khi gạo này không đạt chất lượng? Do đó, muốn xây dựng thương hiệu lúa gạo thì cần bắt đầu từ doanh nghiệp. Chúng ta cần xác định doanh nghiệp có năng lực về chế biến và thật tâm với lúa gạo, làm ăn uy tín với nông dân vùng nguyên liệu cũng như với đối tác khách hàng. Việc chọn giống lúa cũng phải được chú trọng, tập trung vào gạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo thị hiếu của nhóm khách hàng. Đồng thời, cần tổ chức vùng nguyên liệu và huấn luyện nông dân kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, đến khi đã có sản phẩm tốt thì mới đăng ký tên thương hiệu và chịu trách nhiệm về thương hiệu, sản phẩm của chính mình làm ra, khi đó logo, thương hiệu mới thật sự tạo được lòng tin cho người tiêu dùng”.
 
Cứng nhắc tiêu chuẩn?
 
Chia sẻ với truyền thông tại lễ vinh danh tác giả làm ra gạo ngon nhất thế giới do UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức vào chiều ngày 25-11, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua cho biết: gạo ST 25 vừa đoạt giải cao nhất tại hội thi World's Best Rice 2019 là cơ hội lớn cho gạo Việt. Tuy nhiên, hiện nay, giống lúa ST 25 vì mới ra đời nên chưa được công nhận là giống lúa quốc gia. Đây là một hạn chế để có thể đưa ra sản xuất thương mại. Có lẽ vì vậy đã có nhiều doanh nghiệp, cá nhân ăn theo cơn sốt “treo đầu dê, bán thịt chó” cung cấp gạo ST 25 giả đã tràn lan.
 
Theo ông Cua: nếu cứng nhắc căn cứ theo quy định, trung bình một loại giống lúa mới từ khi nghiên cứu sản xuất thử nghiệm thành công đến khi được công nhận là giống lúa quốc gia thời gian ngắn nhất cũng phải trên 3 năm, nhiều nhất có khi lên đến gần chục năm.
 
Theo TS Lê Văn Bảnh, Nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL: “Thương mại hóa giống lúa tốt như ST25 là phải phổ cập đến nhiều doanh nghiệp. Bởi vì, một mình doanh nghiệp này chỉ sản xuất được khoảng 1.000 tấn/vụ. Từ việc công nhận đến mở rộng liên kết của các doanh nghiệp vẫn đang rất có vấn đề”.
 
(Theo enternews.vn)
.
.
.