Thứ Năm, 16/07/2020, 16:20 (GMT+7)
.
CA MỔ TÁCH CẶP SONG SINH TRÚC NHI - DIỆU NHI:

Lương tâm và trách nhiệm của thầy thuốc

(ABO) Ngày 15-7, hàng triệu trái tim Việt Nam hồi hộp chờ đợi thông tin tốt đẹp từ Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh. Nơi ấy có ca đại phẫu tách cặp song sinh dính nhau vùng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kỳ hiếm gặp. Theo ước tính trên thế giới, tỷ lệ song thai dính nhau là 1/200.000 trẻ sinh sống, trong đó chỉ có 6% là dính nhau theo kiểu ischiopagus tetrapus.

Ca đại phẫu khiến chúng ta nhớ lại ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh Việt - Đức cách đây 32 năm. Đó là ca mổ tách cặp song sinh dính nhau đầu tiên của Việt Nam mà y văn thế giới chưa ghi nhận ca phẫu thuật nào đặc biệt như thế. Khi ấy, hàng triệu trái tim cả nước cùng hướng về ê kíp phẫu thuật. Phương tiện thông tin đại chúng thời đó chưa phát triển như hiện nay, nên sự hồi hộp chờ đợi “căng thẳng” hơn đối với ca phẫu thuật cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi.

 

aaa
Hàng triệu trái tim trong cả nước hướng về ca mổ tách cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi diễn ra vào ngày 15-7. Ảnh: nguồn Internet

Cuối cùng thì hàng triệu trái tim Việt Nam cũng vỡ òa hạnh phúc. Ca mổ tách đôi cặp song sinh Việt - Đức thành công, đưa tên tuổi của Trưởng ê kíp mổ - GS-BS. Trần Đông A - lan tỏa khắp thế giới. Ca phẫu thuật được ghi vào sách kỷ lục Guinness năm 1991. Thành công của ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức không chỉ tái sinh cuộc đời của Đức, mà còn đi vào lịch sử và cắm một cột mốc đánh dấu bước tiến vượt bậc của nền y học nước nhà. 32 năm đã trôi qua, ca phẫu thuật đầy trí tuệ và thấm đẫm tình người ấy vẫn luôn được ngành y trong và ngoài nước nhắc đến.

2 ca phẫu thuật ở 2 thời điểm khác nhau, cách nhau 32 năm nhưng đều có một điểm chung, đó là lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc. Đối với cặp song sinh Việt - Đức thì đội ngũ y, bác sĩ lúc ấy đứng trước áp lực phải thực hiện ca phẫu thuật càng sớm càng tốt, bởi Việt bị bại não, phải sống đời thực vật, sức khỏe rất yếu, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Nguy cơ chết đột ngột của Việt luôn đe dọa tính mạng của Đức.

Còn đối với cặp song sinh 13 tháng tuổi Trúc Nhi - Diệu Nhi cũng trải qua thời kỳ sơ sinh đầy sóng gió, trong đó bé Diệu Nhi rất yếu, Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh đã rất nỗ lực, tốn nhiều công sức để cứu bé và nuôi nấng đến hôm nay. Vì vậy, việc quyết định mổ tách cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi, theo Trưởng ê kíp mổ, TS-BS. Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh: Sẽ xin phép đấng tạo hóa để khai sinh ra hai con một lần nữa với nguyên vẹn hình hài. Tâm nguyện của chúng tôi là trả lại cho hai con một cuộc đời lành lặn như bao trẻ khác. Trải qua bao lần hội chẩn không đếm nổi, để ngày hôm nay đi đến quyết định thực hiện công việc này”.

Sáng hôm nay, đọc tin trên các báo được biết các dấu hiệu sinh tồn của 2 bé ổn định, chỉ sốt nhẹ sau mổ. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả bước đầu, còn phải theo dõi rất sát trong thời gian tới, vì quá trình hồi sức và hồi phục của 2 bé là chặng đường dài. Cứ 12 tiếng đồng hồ, các bác sĩ sẽ họp giao ban tình hình sức khỏe hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi. Qua đó cho thấy “cuộc chiến” để mang lại cuộc sống bình thường cho 2 bé còn nhiều cam go, thử thách ở phía trước. Và qua đó, chúng ta càng thấy rõ hơn lương tâm và trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ. Điều đó thật đáng quý và đáng trân trọng biết bao!

Hẳn nhiên là trong hàng vạn y, bác sĩ cả nước vẫn còn “người này, người kia”, đâu đó vẫn còn tình trạng y, bác sĩ thờ ơ, “kiệm lời”, vô cảm, thiếu trách nhiệm với bệnh nhân, nhưng đó chỉ là hiện tượng. Bản chất của người thầy thuốc dù ở bất kỳ thời kỳ nào vẫn luôn đặt lương tâm và trách nhiệm lên hàng đầu, mà việc đội ngũ y, bác sĩ nước nhà đã và đang chiến đấu với đại dịch Covid-19 là một minh chứng điển hình.

Hơn bao giờ hết, xã hội đang nhìn vào đội ngũ y, bác sĩ với lòng biết ơn, thiện cảm và trân trọng thông qua tinh thần trách nhiệm, đặt lương tâm của người thầy thuốc lên hàng đầu không chỉ từ ca đại phẫu tách cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi…

THIÊN LÊ

.
.
.