Quốc tộ như đằng lạc
Thủ tướng gay gắt, “lần này Chính phủ sẽ ra tay” khi thúc giục các địa phương giải ngân đầu tư công. Thực tế, không chỉ lần này, mà trong 4 năm qua, Chính phủ đã nhiều lần ra tay. Ra tay để nối chặt thêm vòng tay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo giao ban trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương trên toàn quốc về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sáng 16-7. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cho rằng, “các Bí thư, Chủ tịch tỉnh phải sốt ruột vì sao giải ngân chậm, khâu nào, chỗ nào chậm”, Thủ tướng dùng cụm từ khá mạnh là “sờ gáy” khi nhắc đến việc quy trách nhiệm rõ ràng để tình trạng giải ngân vốn chậm.
Bảy đoàn kiểm tra công tác giải ngân được thành lập trong đó một đoàn do Thủ tướng trực tiếp dẫn đầu. 4 Phó Thủ tướng, 2 Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính dẫn đầu 6 đoàn còn lại cùng “xung trận”.
Ra thông điệp, “lần này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ra tay”, Thủ tướng “ra tay” theo cách khích lệ nhân rộng các điểm sáng để các địa phương cùng nhìn vào đó có động lực phấn đấu cho “bằng anh, bằng em”.
Địa phương đầu tiên mà Thủ tướng chọn làm việc là Ninh Bình, nơi được coi là “điển hình tiên tiến” trong giải ngân đầu tư công. Người đứng đầu Chính phủ mang đến thông tin nức lòng là Ninh Bình nếu làm tốt hơn nữa, sẽ lại được tiếp tục rót thêm vốn ngay vào tháng 8 tới.
Đến Đà Nẵng họp với 12 tỉnh, thành phố vùng miền Trung và Tây Nguyên, Thủ tướng kêu gọi, “đây là vùng đất có nhiều nhất những anh hùng đã ngã xuống trong thời chiến. Giờ là lúc đất nước khó khăn không kém gì thời chiến, phải hành động quyết liệt để anh linh liệt sĩ có thể mỉm cười”.
Hiện, cả nước bắt đầu có khí thế “ra tay”. Như tại Tiền Giang, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công ngay lúc này đã lên tới trên 80%, Nghệ An trên 60%. Bộ Giao thông vận tải cam kết cả năm giải ngân 100% vốn được giao trừ một số công trình cao tốc thì ở ngưỡng 70%...
4 năm qua, từ sự “ra tay” của Thủ tướng, kết quả mang lại không phải là “chim muông tan tác”, mà là sự gắn kết ngày càng cao trong các địa phương.
Hồi cuối tháng 5, để chính thức chấm dứt thời kỳ u ám vì bóng đen của đại dịch COVID- 19, Thủ tướng đến Quảng Ninh, một trong những thủ phủ du lịch của Việt Nam, bấm nút khởi động lại thị trường du lịch nội địa.
Theo đó, các địa phương đồng loạt nắm chặt tay nhau cùng “bấm nút”. Bình Định liên kết chuỗi du lịch với các tỉnh lân cận Phú Yên, Quảng Ngãi, khu vực Tây Nguyên thiết lập hành trình lên rừng xuống biển.
Hà Nội “bấm nút” cùng Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn,Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình; Bình Thuận và Lâm Đồng cùng Vietnam Airlines tổ chức đón đoàn doanh nghiệp lữ hành các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến thăm quan và khảo sát.
Khánh Hòa, Quảng Ninh cùng xúc tiến du lịch, liên kết khai thác thế mạnh chung về biển đảo. Hai tỉnh cửa ngõ của Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sát cánh cùng nhau mở ra cánh cửa “về miền di sản Ninh Bình-Thanh Hóa”…
Trải dài từ mùa hè đến mùa thu năm ngoái là đồng loạt 4 Hội nghị vùng kinh tế trọng điểm diễn ra trên cả 4 vùng, liên tục trong 4 tháng, từ tháng 5 đến hết tháng 8 dưới sự trực tiếp chủ trì của Thủ tướng.
Người đứng đầu Chính phủ thể hiện một quyết tâm rất cao trong phát triển đồng đều khắp các vùng miền và giải pháp mà ông lựa chọn là thúc đẩy các địa phương nắm chặt tay nhau cùng bước tới, thống nhất ý chí cùng hành động.
Thắt chặt lại các mối liên kết là thông điệp mà Thủ tướng nhấn mạnh tại tất cả các hội nghị này. Bởi đã đến lúc, đất nước phải đối diện với thực tế nếu tiếp tục chia cắt theo kiểu 63 tỉnh, thành phố là 63 nền kinh tế, thì không thể có cách gì đi lên.
Mở màn cho chuỗi hội nghị vùng kinh tế trọng điểm, tháng 5-2019, Thủ tướng “kéo quân” về họp tại Đồng Nai với 8 địa phương trong vùng. Những năm qua, vùng kinh tế trọng điểm phía nam là nơi được Chính phủ ưu tiên nguồn vốn để đầu tư.
Hàng loạt dự án giao thông lớn được quy hoạch, triển khai tại khu vực này như cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Bến Lức-Long Thành, Biên Hòa-Vũng Tàu, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường vành đai 3...
Thủ tướng nhắc nhở rất thấm thía, “Chính phủ đã ưu tiên như vậy thì các địa phương trong vùng phải biết cùng chung chí hướng phát triển không chỉ cho địa phương mình mà còn phải cho cả vùng và cả nước”.
Ông hy vọng những hành động mà Chính phủ thực thi bằng rất nhiều tình cảm và trách nhiệm sẽ giúp các địa phương ý thức được hơn nữa tầm quan trọng của việc nắm chặt tay nhau.
“Ra tay” với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Thủ tướng thường nhắn nhủ với lãnh đạo các tỉnh trong vùng rằng , “tôi là người miền Trung, nhưng tôi ngồi họp với các “ông” không phải để vỗ về nhau, mà “càng người quen càng lèn cho đau”, có “đau” thì mới có khát vọng vươn lên”.
Làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam hồi tháng 3/2019, Thủ tướng nhắc đi nhắc lại mong muốn quê nhà của ông không ỉ lại, không kêu khổ, kêu khó vì lũ lụt, thiên tai… Quảng Nam phải tự lực, tự cường vươn lên cùng cả miền Trung hình thành một cực tăng trưởng mới.
Từ một trong 3 tỉnh nghèo nhất cả nước, nay Quảng Nam đã trở thành một trong 14 tỉnh có nguồn thu ngân sách cao nhất cả nước, vào nhóm tỉnh có mức thu nhập cao hơn bình quân của cả nước và có đóng góp vào ngân sách nhà nước…
Nửa đầu năm 2020, mặc dù rơi vào danh sách một trong 12 địa phương tăng trưởng âm nhưng Quảng Nam vẫn rất hăng hái trong đề xuất các giải pháp tái cấu trúc kinh tế, huy động tìm kiếm nguồn lực khớp nối hạ tầng liên kết không gian vùng.
Với Quảng Bình, Thủ tướng yêu cầu, không chỉ là “làn gió Đại Phong mới”, Quảng Bình phải biết “góp gió thành bão”, liên kết cùng với các địa phương khác để ngành du lịch Việt Nam đi xa hơn, có sức cạnh tranh và hội nhập toàn cầu.
Nói là “lèn cho đau”, nhưng những tỉnh nghèo miền Trung là những nơi Thủ tướng thương nhiều hơn cả bởi nơi đây chỉ có “trên nắng dưới cát”, “nghèo mùng tơi không kịp rớt” như lời thơ của thi nhân.
Năm 2016, ngay sau khi được Quốc hội bầu là Thủ tướng, Quảng Ngãi là tỉnh đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến chỉ đạo Hội nghị xúc tiến đầu tư. Ba năm sau, Thủ tướng tiếp tục chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư cho tỉnh này.
Ông trăn trở, “đưa một địa phương đang phát triển tiếp tục giữ được đà phát triển đã rất khó khăn, để đưa một địa phương đi lên từ con số 0 hoặc có xuất phát điểm rất thấp như Quảng Ngãi lại càng khó khăn gấp bội”.
Đặt ra câu hỏi làm thế nào để các địa phương cùng “bứt phá”, câu trả lời chung cho cả 63 tỉnh, thành phố mà người đứng đầu Chính phủ liên tục nhắc các địa phương là phải liên kết. Chính phủ dẫu có mở đường thiên lý thì các tỉnh cũng khó đi nếu không có liên kết.
“Chúng ta không thể phát triển nếu vẫn “một mảnh tình riêng, ta với ta” như tâm tư của nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan cách đây gần 200 năm khi bước chân qua Đèo Ngang”, ông nói.
Một bài học rất đau về liên kết đã từng xảy ra vào năm 2016. Tháng 4 năm đó, cá chết trắng bụng kéo dài hàng tuần lễ trên bờ biển của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, dấu hiệu “lâm sàng” cho thảm họa môi trường biển.
Nhưng cả 4 tỉnh không nhìn nhau để xem hiện tượng cá chết có phải là bất thường. Họ cho đó chỉ là đơn lẻ vài con cá của tỉnh bạn do thiếu ô-xy mà chết, không liên quan gì đến tỉnh nhà.
Thậm chí, tin cá chết lên đến Trung ương nhưng địa phương vẫn… ngơ ngác. Cá chết mang tính liên vùng, vì quen cách hành xử cục bộ địa phương, các tỉnh không sớm nhìn ra được thảm họa để ứng phó.
Thế rồi sau đó đồng loạt kêu cứu Trung ương vì “dân hỏi, không biết trả lời sao”, như phát biểu của lãnh đạo 4 tỉnh trong cuộc làm việc của Thủ tướng tại Hà Tĩnh ngày 1-5-2016.
Suốt trong ba năm 2016, 2017, 2018, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng lặn lội ở miền Trung để ra tay xử lý triệt để thảm họa. Thủ tướng hai lần thị sát toàn diện khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh; thị sát cảng cá Cửa Việt, Quảng Trị…
Thủ tướng bảo, “chỉ yên tâm cho đến khi tận mắt nhìn nụ cười trở lại trên những khuôn mặt ngư dân”.
Chứng kiến sự vất vả này, lãnh đạo các địa phương đều hứa với Thủ tướng kể từ đây, họ sẽ luôn siết chặt tay nhau.
Những cái bắt tay càng siết chặt hơn nữa khi địa phương nhìn về Trung ương và thấy không chỉ chèo lái đưa con thuyền đất nước đạt được các thành tựu kinh tế xã hội, Chính phủ còn phất cao được ngọn cờ “tướng sĩ một lòng phụ tử/ hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.
14 Ủy viên Bộ Chính trị, 10 Bí thư Trung ương Đảng, 60 Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, tất cả Chủ tịch UBND cùng tham dự Hội nghị Chính phủ và địa phương vào ngày cuối năm 2019.
Trong 3 năm liên tục, từ 2017 đến 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đều tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ và địa phương vào cuối mỗi năm.
Bày tỏ “sự hiện diện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã thành một thông lệ, là một vinh dự lớn, khích lệ tinh thần của Chính phủ trong việc điều hành đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, “đó chính là lời hiệu triệu sức mạnh đoàn kết”.
Ông luôn có niềm tin, với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng với quyết tâm lớn thì mọi mục tiêu đều có thể cán đích, kể cả những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được.
Thời nay, khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, học trò đã được học về “Quốc tộ” của Thiền sư Pháp Thuận hơn nghìn năm trước.
“Quốc tộ như đằng lạc”, vận nước như những cây dây mây cuốn vào nhau, càng quấn quýt vận nước càng lên cao, không gì có thể làm đứt gãy.
Ra tay để siết chặt thêm vòng tay, Thủ tướng lựa chọn cách làm như vậy để gìn giữ sức mạnh cho những dây mây vận nước.
(Theo chinhphu.vn)
.