.

Nông nghiệp vẫn chưa nguôi nỗi lo

Cập nhật: 17:32, 18/08/2020 (GMT+7)

(ABO) Tình hình tiêu thụ thanh long những ngày qua lặp lại một “kịch bản cũ” như những tháng đầu năm 2020.

Một lần nữa, nhằm kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh (doanh nghiệp) đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh, góp phần hưởng ứng hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vận chuyển, tiêu thụ thanh long tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các xã trên địa bàn tỉnh được diễn ra. Nhưng đây có lẽ cũng là giải pháp tạm thời trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.

Thật ra, lên hay xuống giá của bất kỳ loại hàng hóa, nông sản nào trong “thế giới phẳng” như hiện nay cũng là điều dễ hiểu. Chỉ cần chút thay đổi trong bức tranh kinh tế thế giới, chẳng hạn như dịch bệnh, mọi thứ hoàn toàn có thể thay đổi một cách nhanh chóng. Những gì đối với trái thanh long những ngày gần đây cũng là câu chuyện rất thường kỳ đối với các loại nông sản Việt và cũng là câu chuyện rất cũ.

Hỗ trợ tiêu thụ thanh long.
Hỗ trợ tiêu thụ thanh long.

Thế nhưng, với những gì đã và đang diễn ra đối với trái thanh long, một trong những loại trái cây có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả về diện tích và sản lượng, mới thấy ngành Nông nghiệp nói chung, trái cây Việt nói riêng vẫn chưa nguôi nỗi lo.

Trong thời hoàng kim, theo tính toán của ngành Nông nghiệp, thanh long ruột trắng có thể mang lại lợi nhuận trung bình đạt khoảng 232 triệu đồng/ha/năm, còn thanh long ruột đỏ có thể mang lại khoảng 456 triệu đồng/ha/năm (đối với cây từ 4 - 5 năm tuổi), với giá bán bình quân đối với thanh long ruột trắng là 11.500 đồng/kg và thanh long ruột đỏ là 29.000 đồng/kg. Với mức lợi nhuận thu về như thế, hiệu quả kinh tế cây thanh long mang lại cao hơn cây lúa từ 6 - 13 lần.

Thật sự, đây là con số quá hấp dẫn đối với nhiều người. Hấp dẫn đến mức, nhiều người đổ xô trồng thanh long. Con số có thể minh chứng là, Đề án “Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” đặt ra mục tiêu toàn tỉnh Tiền Giang sẽ có 9.000 ha trồng thanh long vào năm 2025 nhưng chưa kết thúc năm 2020 Tiền Giang đã có khoảng 9.200 ha trồng thanh long.

Sức nóng của cây thanh long không chỉ diễn ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang mà còn đối với nhiều tỉnh, thành khác. Theo con số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gần đây cũng cho thấy, trên cả nước hiện có 60/63 tỉnh, thành trồng thanh long với diện tích, sản lượng tăng lên rất nhanh.

Nếu như vào năm 1995 cả nước chỉ có 2.250 ha, với sản lượng gần 23.000 tấn, đến cuối năm 2018 đã đạt gần 54.000 ha, với tổng sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 24 lần về diện tích và hơn 46 lần về sản lượng. Việt Nam trở thành nước đứng đầu thế giới về diện tích, sản lượng và xuất khẩu thanh long, chiếm thị phần cao nhất ở châu Á (đặc biệt là Trung Quốc), châu Âu và một số thời điểm ở châu Mỹ.

Câu chuyện tiêu thụ thanh long phần nào phản ánh thực trạng chung của ngành Nông nghiệp với nhiều bài toán khó. Và dường như, làm theo “phong trào” trong ngành Nông nghiệp vẫn chưa có điểm dừng. Bởi trên thực tế làm theo “phong trào” không chỉ xuất hiện trên cây thanh long mà còn nhiều loại nông sản khác. Và như thế, những hệ lụy có thể xảy ra như cây thanh long cũng là điều dễ hiểu. Cứ thế, trái cây Tiền Giang nói riêng, cả nước nói chung vẫn chưa nguôi nỗi lo.

T.A

.
.
.