Cửa mở cho "hạt ngọc" Việt ?
(ABO) Dòng chảy thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến lĩnh vực kinh tế trong những ngày gần đây phần nhiều chú trọng vào cơ hội mới cho hạt gạo - được xem là "hạt ngọc" của Việt Nam. Đặc biệt là sau thông tin Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-8.
Với những động thái về giảm thuế quan đối với gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thời gian gần đây có dấu hiệu khá hơn, nhất là đối với gạo chất lượng cao. Đây là nhân tố tích cực nhất đối với "hạt ngọc" Việt Nam sau thời gian dài cứ quanh quẩn câu chuyện số lượng xuất khẩu gạo hằng năm của Việt Nam rất lớn nhưng giá trị mang lại còn rất khiêm tốn. Hệ lụy của nhiều năm qua cũng cần được nhìn nhận là đời sống của những người làm ra "hạt ngọc" còn rất khó khăn.
Cần tận dụng cơ hội để đẩy nhanh xuất khẩu gạo. |
Đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hạt gạo đóng vai trò rất quan trọng đối với người dân. Bởi đã bao thế hệ người nông dân vùng này đã gắn bó với cây lúa. ĐBSCL trở thành vựa lúa của cả nước. Hầu hết lượng gạo xuất khẩu đi các nước cũng được bắt nguồn từ chính vùng đất trù phú này. Do vậy, bất kỳ thông tin lạc quan nào đối với cây lúa, hạt gạo điều có ý nghĩa rất lớn đối với người nông dân ĐBSCL. Đó là sự sống, là máu thịt của bao thế hệ người nông dân đã gắn bó với cây lúa, hạt gạo.
Trải qua hơn 30 năm tham gia xuất khẩu gạo, Việt Nam trở thành một trong những cường quốc về xuất khẩu gạo, với số lượng cao điểm có thể lên hơn 6 triệu tấn/năm nhưng đâu đó trong lòng của mỗi người làm ra hạt gạo vẫn chưa trọn niềm vui.
3 kỳ Festival lúa gạo được tổ chức tại các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Long An những năm gần đây, với sự tham gia của rất nhiều cơ quan trung ương, địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia đầu ngành đều cùng chỉ ra rất nhiều thực trạng liên quan đến cây lúa, hạt gạo và điểm dừng cuối cùng vẫn là đời sống của người nông dân.
Những vấn đề nội tại của cây lúa, hạt gạo cũng chỉ xoay quanh việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, việc “ngắt khúc” trong xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng, thói quen canh tác của người nông dân, chất lượng giống lúa, vùng trồng manh mún… Những vần đề nội tại ấy dường như cần một thời gian dài nữa mới có thể thay đổi.
Nhìn một cách tổng thể hơn, trong những năm gần đây, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đã có chuyển động theo hướng tích cực, từ chỗ xuất sang khoảng 60 thị trường đã tăng lên con số 150. Chưa kể, cơ cấu gạo xuất khẩu cũng đã được thay đổi, theo chiều hướng tăng dần gạo chất lượng cao. Điều này một phần cũng xuất phát từ chủ trương tái cấu ngành Nông nghiệp của cả nước. Đây cũng là bước đi phù hợp, nhất là khi các điều kiện theo EVFTA bắt đầu có hiệu lực.
Thực tế cho thấy rằng, số lượng gạo được xuất vào thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA thực sự không lớn, chỉ khoảng 80.000 tấn mỗi năm, nhưng với những yêu cầu khắt khe về mặt chất lượng và chủng loại giống, quy trình canh tác...
Tuy nhiên, chính những yếu tố này được kỳ vọng sẽ góp phần nhìn nhận lại ngành hàng lúa, gạo Việt Nam trên con đường chinh phục thị trường thế giới. Và lẽ đương nhiên là cánh cửa cho "hạt ngọc" Việt Nam rộng hay hẹp phần nhiều do chính sự thay đổi và thích ứng từ người làm ra hạt gạo đến khâu mang "hạt ngọc" đến tay người tiêu dùng…
ANH PHƯƠNG