Cửa mở cho Đồng bằng sông Cửu Long
(ABO) Hội nghị Xúc tiến đầu tư và phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với quy mô lớn, diễn ra tại Cần Thơ cách đây đúng 10 năm đã chỉ ra rất nhiều điểm nghẽn cần được khai thông nếu muốn ĐBSCL cất cánh. Một trong những điểm đáng chú ý nhất đã được các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra tại hội nghị này là hạ tầng giao thông. Bởi sau một thời gian dài ĐBSCL vẫn được xem là vùng trũng trong kết nối giao thông huyết mạch, nhất là mang tính nội vùng và liên vùng.
Phối cảnh cầu Mỹ Thuận 2. |
Thế nhưng, chỉ sau 10 năm, ĐBSCL đã có diện mạo mới. Sau hàng loạt cây cầu bắc qua sông Hậu, sông Tiền được đầu tư xây dựng, hệ thống giao thông kết nối giữa các tỉnh, thành cũng dần hoàn thiện tạo thêm động lực mới cho ĐBSCL.
Điểm đáng chú ý nhất là đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được gấp rút thi công, được kết nối tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, chuẩn bị hình thành tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ và dự kiến tiếp tục triển khai đoạn Cần Thơ - Cà Mau theo quy hoạch.
Việc hình thành tuyến đường cao tốc này không chỉ giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1A, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và cả nước.
Hạ tầng giao thông ĐBSCL đã được tập trung đầu tư. |
Không chỉ tuyến cao tốc về ĐBSCL mà nhiều tuyến giao thông mang tính chiến lược khác cũng sẽ được triển khai. Bởi theo thông tin từ Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải), trong số 14 dự án giao thông quan trọng, cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thông qua phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, có tới 4 dự án thuộc khu vực Tây Nam bộ gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn; Dự án Nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự; Dự án Nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp và Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long…
Song hành với mạng lưới giao thông, thu hút đầu tư cho khu vực ĐBSCL cũng đã tạo nên nét son mới. Động lực mới để ĐBSCL cất cánh cũng đã bắt đầu. Vùng đất trù phú, đứng đầu cả nước về sản lượng lương thực, thủy sản, trái cây… hứa hẹn sẽ tăng tốc nhanh chóng. Thế nhưng, để đạt được mục tiêu này, theo nhấn mạnh của các chuyên gia, liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng và với cả nước là yêu cầu quan trọng trong điều kiện hội nhập kinh tế hiện nay. Điều quan trọng là liên kết nhưng không triệt tiêu lợi ích và lợi thế của các tỉnh, thành trong vùng…
A.P