.

Dấn thân vào EVFTA không chỉ để xuất con tôm, bán cân gạo

Cập nhật: 21:49, 25/09/2020 (GMT+7)

Mục tiêu quan trọng được đặt ra khi ký kết Hiệp định Thương mại tự do EVFTA này là giúp Việt Nam kết nối với một khu vực có hàm lượng công nghệ cao, có tri thức và có cách làm ăn bài bản, thay vì chỉ xuất khẩu “con tôm, cân gạo” sang thị trường EU.

Sản phẩm tôm Việt Nam
Sản phẩm tôm Việt Nam "rộng đường" xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: TTXVN

Tận dụng cơ hội từ thị trường 500 triệu dân

Thông điệp này được ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên thuộc Bộ Công Thương – đưa ra tại Hội thảo “EVFTA - Những điều doanh nghiệp cần biết”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 24-9.

Theo ông Thái, thực thi Hiệp định EVFTA gồm hai mục tiêu: Tận dụng tốt các cơ hội để xuất khẩu hàng hoá sang EU – thị trường hiện có 500 triệu dân; Nhập khẩu những thiết bị cần thiết từ EU để nâng khả năng sản xuất của nền kinh tế. Nhưng hiện Việt Nam chưa dành sự quan tâm đúng mức cho mục tiêu thứ hai.

"Việc thực thi Hiệp định không đơn thuần là chúng ta xuất con tôm, cân gạo sang đó. Quan trọng hơn là chúng ta kết nối được với một khu vực có hàm lượng công nghệ cao, có tri thức, có cách làm ăn bài bản, có định hướng mà chúng ta hướng đến", ông Thái khẳng định.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ rằng nhiều cơ quan, đơn vị đang hướng sự tập trung vào những chỉ tiêu xuất khẩu mà quên đi những thế mạnh, cơ hội của nền kinh tế khi tham gia EVFTA.

“Ý nghĩa của xuất khẩu là tạo ra nguồn ngoại tệ để nhập về những thiết bị cần thiết nhằm nâng khả năng sản xuất của nền kinh tế. Không phải nhập về để lại làm ra sản phẩm, rồi xuất khẩu ra ngoài vì điều này không giúp nâng cao nền tảng của nền kinh tế", bà Lan nói.

Cũng theo chuyên gia này, sản phẩm nông sản Việt Nam sẽ chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Sức ép này có thể trở thành lợi thế của các quốc gia khác - đặc biệt là Trung Quốc - chứ không dành cho Việt Nam.

“Chúng ta nhập khẩu hàng hóa của các nước nhưng nếu không chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa của mình lên, không có sự chuẩn bị về nguồn lực thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhanh chóng hụt hơi, đuối sức khi tham gia EVFTA”, bà Lan phân tích.

Theo bà, EVFTA mang tới nhiều cơ hội, nhưng cũng ẩn chứa không ít thách thức buộc doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt và vượt qua trên con đường phát triển, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiểu rõ, tuân thủ nghiêm chỉnh các cam kết

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng muốn tận dụng được cơ hội từ Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhằm chinh phục khách hàng thay vì chỉ đặt mục tiêu vượt qua hàng rào kỹ thuật của các cơ quan thẩm định.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, ngay trong tháng đầu thực hiện Hiệp định EVFTA, đã có trên 7.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD hàng hóa xuất khẩu sang EU.

Tương tự, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các đơn hàng xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang EU trong tháng tám đã tăng 10% về kim ngạch so với tháng bảy. Giá các sản phẩm gạo của Việt Nam cũng được cải thiện sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực với mức tăng 80-200 USD mỗi tấn so với cuối tháng 7-2020. Ngày 22-9 vừa qua, 126 tấn gạo thơm đầu tiên đã được xuất khẩu sang EU với thuế suất 0%.

"Con đường tới với thị trường EU đã mở, nhưng thị trường có nhu cầu với sản phẩm của chúng ta hay không lại là câu chuyện khác. Đôi khi không phải hàng rẻ là họ mua của mình", bà Trang nhấn mạnh.

Theo đó, doanh nghiệp chấp nhận thay đổi sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Đồng thời, điều chỉnh hoạt động sản xuất, nguồn cung nguyên liệu từ nội địa để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của thị trường xuất khẩu.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, nội dung Hiệp định EVFTA có độ dày hàng ngàn trang với ngôn ngữ hàn lâm, diễn giải đôi khi lắt léo.

“Tìm thấy cơ hội, đánh giá được khó khăn sẽ tới với mình trong hàng nghìn trang tài liệu là thách thức đối với bất kỳ doanh nghiệp nào”, ông Lộc bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Đạt ở Hà Nội, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu đồ gỗ, nói rằng sản phẩm đồ gỗ vào thị trường EU phải tuân thủ các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao như chứng nhận xuất xứ, vệ sinh an toàn, nguồn gốc nguyên liệu hợp pháp. Vậy nên mỗi doanh nghiệp đồ gỗ cần phải tiếp cận được các nội dung cam kết liên quan đến mình và nhu cầu của thị trường EU trước khi nghĩ tới việc hưởng ưu đãi thuế quan từ EVFTA.

Ông Tuyên cho rằng, hoạt động hỗ trợ về cung cấp thông tin, phổ biến các cam kết, hướng dẫn cách thức tiếp cận thị trường EU thông qua những hội thảo, hội nghị, tập huấn, tuyên truyền về EVFTA từ phía các cơ quan chức năng là rất hữu ích cho doanh nghiệp. Vì vậy cần mở rộng phạm vi và tính chất chuyên sâu về các hoạt động này.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.