Niềm tin mới cho trái cây
(ABO) Sự kiện lô hàng đầu tiên gồm 20.000 quả dừa tươi, 12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long xuất khẩu sang EU sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực, diễn ra vào ngày 17-9 tại Bến Tre, một lần nữa khơi gợi thêm niềm tin mới vào lợi thế nông nghiệp của Việt Nam nói chung và người dân Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Trước đó, nhiều thông tin lạc quan về trái cây cũng được đưa ra. Đó là thông tin trái vú sữa Việt Nam lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ vào ngày 26-12-2017. Trước trái vú sữa, Việt Nam đã xuất khẩu được 4 loại quả tươi sang thị trường Hoa Kỳ là thanh long, chôm chôm, vải, nhãn và tiếp đó là trái xoài. Chưa kể thông tin xoài cát Hòa Lộc cũng được đưa lên phục vụ trên các chuyến bay của Vietnam Airlines cũng chính thức được công bố.
Đóng gói xuất khẩu xoài. |
Nhìn vào bức tranh tổng thể hơn, thống kê gần đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, thị trường xuất khẩu trái cây của Việt Nam cũng đã được mở rộng và tăng trưởng mạnh, từ 13 thị trường đạt trên 1 triệu USD vào năm 2014 đến cuối năm 2018 đã có 14 thị trường đạt kim ngạch trên 20 triệu USD. Đến nay đã có trên 40 loại trái cây Việt Nam được xuất khẩu tới hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới. Giờ đây trái cây được xem là nông sản chủ lực của Việt Nam, là ngành hàng có tốc độ phát triển nhanh nhất.
Sở dĩ sự kiện lô trái cây đầu tiên xuất sang EU sau khi EVFTA có hiệu lực tiếp thêm niềm tin bởi nó dựa trên nền tảng thực trạng và dư địa của nông sản Việt nói chung và trái cây Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Bởi nếu nhìn vào bức tranh toàn diện hơn, hiện cả nước có 15 loại quả có diện tích trồng hơn 10.000 ha/loại; trong đó Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng diện tích trồng cây ăn trái, đạt đến 34%.
Những năm qua, diện tích trồng và sản lượng của nhiều loại nông sản tăng rất nhanh. Nằm trong xu thế chung, Tiền Giang hiện có diện tích sản xuất trái cây lớn nhất nước, với gần 80 ngàn ha, sản lượng bình quân khoảng 1,5 triệu tấn trái cây mỗi năm. Trong năm 2019 xuất khẩu chính ngạch trái cây của Tiền Giang đạt khoảng 43 triệu USD, trong đó có các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, với 9 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia.
Trái cây đang có nhiều cơ hội xuất khẩu. |
Với tốc độ tăng trưởng nhanh về diện tích và sản lượng, thông tin lạc quan về thị trường tiêu thụ chắc chắn sẽ mở ra một niềm tin mới cho những ai gắn bó với nông sản Việt. Bởi chỉ tính theo cam kết của EVFTA, có đến 94% của 540 dòng thuế trái cây, rau quả từ Việt Nam vào thị trường EU đã về không ngay khi hiệp định có hiệu lực. EU là thị trường rất triển vọng với dân số lớn và thu nhập cao, nông sản Việt Nam và EU không có sự cạnh tranh mà bổ trợ nhau. EU giờ đây được xem là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của rau quả Việt Nam.
Cơ hội mới, niềm tin mới đối với nông sản nói chung, trái cây nói riêng, giờ đây là không ít. Tuy nhiên, theo TS. Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bên cạnh những thuận lợi do EVFTA mang lại, tình thế cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp rau quả Việt phải cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu cũng như cạnh tranh trên thị trường nội địa. Và tất nhiên, nếu nhìn vào thực tế, đây cũng là câu chuyện dài nhiều năm của nông sản Việt…
A.P