.

Chờ gì ở RCEP?

Cập nhật: 06:05, 20/11/2020 (GMT+7)

(ABO) Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết, mở ra một chương mới cho hội nhập quốc tế của Việt Nam mà trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế.

RCEP được chính thức khởi động đàm phán từ năm 2012 nhằm tăng cường hợp tác kinh tế trong khu vực Đông Á, thành viên bao gồm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. RCEP bao gồm 20 chương và các phụ lục.

RCEP được xem là một thỏa thuận thương mại khu vực lớn chưa từng có với sự giao hòa đa dạng của các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và kém phát triển. Là một hiệp định với thị trường 2,2 tỷ người dân chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26,2 ngàn tỷ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu.

Nhiều cơ hội mở ra khi RCEPT có hiệu lực.
Nhiều cơ hội mở ra khi RCEP có hiệu lực.

RCEP cũng được xem là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, thể hiện một bước tiến quan trọng hướng tới một khuôn khổ luật lệ lý tưởng cho thương mại và đầu tư toàn cầu.

Nhìn trên bức tranh tổng thể, RCEP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng, góp phần nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khuôn khổ khu vực và tăng cường hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác.

Theo Bộ Công thương, RCEP là một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên, với 20 chương bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại tư do trước đây giữa ASEAN và các nước đối tác. Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, RCEP còn bao gồm các chương về Sở hữu trí tuệ, Thương mại điện tử, Cạnh tranh, Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), Hợp tác kinh tế và kỹ thuật và Mua sắm của chính phủ. Với mức độ cam kết tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, RCEP chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực đặc biệt về khả năng tiếp cận thị trường.

Cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng, Việt Nam cũng đã rất thành công đối với các hiệp định kinh tế đã từng tham gia. Với RCEP, chắc chắn Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế hơn do đây là hiệp định có quy mô lớn, với sự tham gia của nhiều nền kinh tế lớn.

Cửa mở cho xuất khẩu hàng hóa của Việt nam ngày càng lớn.
Cửa mở cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ngày càng lớn.

Bởi nếu so sánh RCEP với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) vừa có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, RCEP có thể giúp nền kinh tế toàn cầu tăng hơn 285 tỷ USD mỗi năm - gần gấp đôi Hiệp định CPTPP - nếu nó có hiệu lực vào năm 2030, theo như phân tích từ nhà kinh tế học Peter Petri của Viện Brookings và Michael Plummer của Viện Johns Hopkins.

Mặc dù tiến độ đàm phán của RCEP khá chậm, nhưng với phạm vi to lớn của RCEP - bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ - là điều khiến nó trở nên quan trọng.

Rõ ràng, sau các sân chơi lớn mà Việt Nam đã tham gia như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay CPTPP, EVFTA và giờ đây là RCEP sẽ bước tiếp chặng đường hội nhập sâu rộng của Việt Nam. Đó là bước tiến dài của tiến trình đổi mới đất nước. Điều này sẽ góp phần mở ra một chương mới cho kinh tế Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng…

T.T

.
.
.