.

Con số đáng lo và niềm tin chiến thắng

Cập nhật: 19:07, 12/06/2021 (GMT+7)

(ABO) Số liệu do Bộ Y tế công bố trưa ngày 12-6 cho thấy, số lượng ca nhiễm Covid-19 trên phạm vi cả nước, tính từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, đã chạm ngưỡng 10.000 ca, nhưng dẫu sao cũng ghi nhận những thành công lớn trong công tác phòng, chống dịch của Việt Nam.

Vậy là, sau hơn 1 năm, kể từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 1-2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19. Điều đáng quan tâm là việc tấn công nhanh, mạnh và trên diện rộng của virus SARS-CoV-2 trong đợt bùng phát lần thứ 4.

Số liệu ca nhiễm Covid-19 do Bộ Y tế công bố trưa ngày 12-6.
Số liệu ca nhiễm Covid-19 do Bộ Y tế công bố trưa ngày 12-6. (Nguồn: Bộ Y tế).

Đây được coi là đợt dịch nguy hiểm nhất từ trước đến nay. Bởi theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ riêng đợt dịch thứ 4 này (kể từ ngày 27-4 đến 12 giờ ngày 12-6), Việt Nam đã có 6.936 ca nhiễm mới trong nước, chiếm hơn 80% tổng số ca nhiễm trên cả nước (8.506). Con số này gấp 7,5 lần so với đợt dịch thứ 3 (910 ca) và gấp hàng chục lần so với đợt dịch thứ 2.

Tỷ lệ mắc trung bình/ngày trong đợt bùng phát lần thứ 4 có thời điểm lên đến ba con số. Đỉnh điểm cao nhất là ngày 25-5, Việt Nam ghi nhận số ca mắc kỷ lục lên tới 444 ca. Thực tế này cũng đặt ra rất nhiều thách thức trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh của đợt bùng phát lần thứ 4 cũng đòi hỏi đặt ra nhiều giải pháp mới, linh hoạt hơn để xử lý một cách hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Một trong những giải pháp được đề cập là lần đầu tiên Bộ Y tế đưa ra bản đồ chống dịch với thang đánh giá nguy cơ bốn mức độ.

a
Số liệu cụ thể qua 4 đợt dịch tại Việt Nam. (Nguồn: NDO).

Đây là quy định được ban hành dựa trên Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ. Điểm mới của quy định này là bản đồ chống dịch được hình thành dựa trên các dữ liệu bắt buộc phải cập nhật từ cấp xã trở lên và dữ liệu được tập hợp từ nguồn có sẵn. Bốn mức độ nguy cơ được thể hiện tới cấp xã trên bản đồ chống dịch tương ứng với các màu sắc: Nguy cơ rất cao (màu đỏ), nguy cơ cao (màu cam), nguy cơ (màu vàng), bình thường mới (màu xanh).

Đặc biệt, địa phương có quyền bổ sung, áp dụng biện pháp có thể ở mức độ cao hơn, cần thiết tùy theo tình hình dịch, đặc thù phát triển kinh tế tại địa phương. Những giải pháp này đã không ngừng phát huy hiệu quả, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất số lượng ca nhiễm Covid-19 trên phạm vi cả nước nói chung và từng tỉnh, thành nói riêng.

Dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp nhưng chúng ta hoàn toàn có niềm tin chiến thắng ở phía trước. Bởi, nếu nhìn nhận một cách công bằng, dù số lượng ca nhiễm Covid-19 có tăng nhanh trong đợt bùng phát lần thứ 4 và cũng là lần đầu tiên dịch tấn công cả hai mũi nhọn là vào các cơ sở y tế và khu công nghiệp Việt Nam, nhưng đến nay các ổ dịch lớn, phức tạp, mà cụ thể là ở Bắc Giang, cơ bản được kiểm soát.

Thành công này không dễ đạt được nếu không có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân. Chưa kể, Việt Nam chúng ta còn có niềm tin lớn là sự chung sức, chung lòng của cả dân tộc. Sức mạnh này không phải đất nước nào cũng có được. Lịch sử đã chứng minh, Việt Nam đã từng chiến thắng biết bao kẻ thù và hôm nay vẫn giữ vững niềm tin chiến thắng để chống giặc Covid-19.

N.T

.
.
.