25.200 tỷ đồng và hơn thế nữa!
(ABO) Tìm kinh phí để mua được vắc xin tiêm cho toàn dân, chỉ mới là một phần của việc đưa cuộc sống trở lại bình thường, còn nhiều việc phải làm, phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để việc tiêm vắc xin đại trà đạt hiệu quả. Nhưng trước mắt là tìm lời giải cho bài toán 25.200 tỷ đồng.
Việt Nam hướng tới tiêm vắc xin cho toàn dân. Ảnh: chinhphu.vn |
Làm thế nào để có đủ vắc xin tiêm đại trà trong nhân dân, hướng tới miễn dịch cộng đồng là câu chuyện “nóng” đặt ra trong bối cảnh đợt dịch COVID-19 thứ 4 đang bùng phát tại Việt Nam. Đây là vấn đề không mới, Bộ Chính trị đã cho chủ trương từ lâu và Chính phủ trong triển khai chiến lược vắc xin cũng xác định vắc xin là yếu tố quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh. Theo tính toán của Bộ Tài chính và Bộ Y tế, hướng tới miễn dịch cộng đồng, dự kiến Việt Nam cần 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm cho khoảng 75 triệu người.
Tổng kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng, trong đó kinh phí mua vắc xin khoảng 21.000 tỷ đồng, chi phí vận chuyển, bảo quản, phân phối và tổ chức tiêm chủng khoảng 4.200 tỷ đồng. Ngân sách trung ương dự kiến bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức là 9.200 tỷ đồng.
Đặc biệt, nhu cầu vắc xin hằng năm tăng cao khi dịch kéo dài, nên kinh phí mua vắc xin sẽ lớn; do đó, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.
25.200 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ, cho nên để miễn dịch cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh là nỗ lực rất lớn của Nhà nước và nhân dân, trong đó vai trò của Nhà nước là rất quan trọng và sức dân cũng là yếu tố có tính quyết định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19. Ảnh: chinhphu.vn |
Việc bố trí số tiền ngân sách lớn với mong muốn sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta: Sức khỏe của nhân dân là trên hết. Hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động nghẹn lời khi phát biểu kêu gọi trong đêm ra mắt Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 (ngày 5-6 ) đã làm cho triệu trái tim lắng lại; bởi đó là cảm xúc rất thực, rất người của người đứng đầu Chính phủ trước nghĩa cử của quốc dân đồng bào hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp cho Quỹ vắc xin.
Qua đó cho ta hiểu và thêm tin về một Chính phủ nói thật làm thật, chứ không hô hào hoa mỹ. Bởi cũng chính Thủ tướng là người đề xướng và chủ trì các chính sách mở về vắc xin, truyền cảm hứng, kêu gọi huy động mọi nguồn lực cho Quỹ này khi xác định vắc xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định để đất nước thoát khỏi đại dịch COVID-19.
Việt Nam sau hơn một năm “chiến đấu” với đại dịch và qua Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 vừa ra mắt, cho ta thấy rõ chân lý trong lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “… khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Nhắn tin ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19. Ảnh: chinhphu.vn |
Hơn 25.000 tỷ đồng, số tiền không nhỏ, nhưng khi đã thu phục được nhân tâm, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân thì đó không còn là chuyện lớn. Chúng ta tin rằng Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 sẽ nhận được nhiều hơn thế nữa, để không chỉ mua đủ vắc xin tiêm cho người dân trong thời gian nhanh nhất, mà còn tạo tiền đề, thêm kinh phí cho việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc xin tại Việt Nam; góp phần chủ động, đảm bảo an ninh y tế cho nước nhà. Số tiền mà nhân dân, doanh nghiệp đóng góp trong những ngày qua cho ta niềm tin về điều đó.
Rõ ràng kinh phí lúc này không còn là vấn đề lớn, khi khoan được sức dân thì tất cả chỉ còn là yếu tố thời gian. Trong lúc chờ đợi được tiêm vắc xin, người dân hãy cùng nâng cao ý thức, chung sức, chung lòng cùng chính quyền thực hiện tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch.
Hãy siết chặt tay, bình tâm và tin tưởng; chúng ta sẽ vượt qua đại dịch!
D.S