.

"Khơi thông" để Đồng bằng sông Cửu Long "cất cánh"

Cập nhật: 08:47, 07/03/2022 (GMT+7)

(ABO) Trong thời gian qua, chúng ta nhận thấy rất rõ vấn đề Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn là “tiêu điểm” trong các chương trình nghị sự, tọa đàm, hội thảo… của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành... Từ đó cho thấy, vấn đề ĐBSCL luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm.

a
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận góp phần tháo gỡ "nút thắt" về giao thông vùng ĐBSCL. Ảnh: MINH THÀNH

Chưa bao giờ vấn đề ĐBSCL được đề cập nhiều như thời gian vừa qua, nhất là trong khoảng một vài năm gần đây. Và cũng chưa bao giờ vấn đề ĐBSCL là tâm điểm chú ý của dư luận như trong thời gian vừa qua. Dư luận quan tâm là bởi ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây.

Cụ thể năm 2021, vùng ĐBSCL đóng góp 24,5 triệu tấn lúa (chiếm 55,4% cả nước), 0,78 triệu tấn tôm (chiếm 83,5%), 1,47 triệu tấn cá tra (chiếm 98%) và 4,3 triệu tấn trái cây (chiếm 60%). Tuy nhiên, ĐBSCL phát triển chưa tương xứng, cuộc sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, giao thông đi lại chưa thuận tiện, từ đó làm cản trở sự phát triển của toàn vùng.

Để tháo gỡ “nút thắt” giúp ĐBSCL phát triển tương xứng tiềm năng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có những cuộc làm việc để lắng nghe lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL kiến nghị, từ đó đưa ra các giải pháp để phát triển ĐBSCL; các bộ, ngành tăng cường làm việc, khảo sát để có những kiến nghị, đề xuất giải pháp sát với tình hình thực tiễn ở khu vực “chín rồng”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL. Mới đây, ĐBSCL là vùng đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch. Một chính sách có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển vùng là Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, là cơ sở đặc biệt quan trọng để phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngày 6-3 vừa qua, tại Kiên Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL chủ động thích ứng biến đổi khí hậu. Tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ký kết Chương trình phối hợp công tác.

Trước đó không lâu, ngày 10-12-2021, Ban Kinh tế Trung ương cũng đã tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đó là những dẫn chứng cụ thể cho thấy vấn đề ĐBSCL đang được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Nhiều giải pháp để “khơi thông” ĐBSCL đã được các chuyên gia, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra nhằm giúp ĐBSCL “cất cánh”.

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã tập trung mọi nguồn lực cho ĐBSCL. Hàng loạt các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi được đầu tư và chuẩn bị được đầu tư, như các tuyến cao tốc: Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau; siêu Dự án Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé… “Nút thắt” lớn nhất về giao thông, thủy lợi vùng ĐBSCL đã từng bước được “khơi thông”. Nhìn vào thực tế, chúng ta có niềm tin rằng, từ sự quan tâm, đầu tư đúng mức của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, những tiềm năng, lợi thế, cơ hội của vùng sẽ được phát huy để ĐBSCL “cất cánh” trong tương lai không xa…

THIÊN QUANG

 

.
.
.