.

Vắc xin - "lá chắn" bảo vệ trẻ em trước Covid-19

Cập nhật: 09:01, 08/03/2022 (GMT+7)

Trong tháng 3 này, 7 triệu liều vắc xin Covid-19 Pfizer đầu tiên cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ về đến Việt Nam. Đây sẽ là những “lá chắn” bảo vệ để các em được hòa chung trạng thái “bình thường mới” của xã hội, sớm được tung tăng cắp sách tới trường...

Đây là một tin vui đối với nhiều ông bố, bà mẹ khi những đứa con của họ đã phải ở quá lâu trong nhà bởi dịch covid-19 với nhiều hệ lụy như nghiện thiết bị điện tử, hạn chế khả năng và kỹ năng giao tiếp, sức khỏe và tinh thần sa sút…

Hơn nữa, khi có người trong nhà mắc Covid-19, hầu hết các bậc cha mẹ đều lo lắng nếu virut lây lan sang những đứa trẻ chưa được tiêm phòng, bởi nguy cơ bệnh trở nặng hoặc hội chứng “hậu covid” gây nguy hiểm cho con em họ. Họ hy vọng với những liều vắc xin này, lũ trẻ sẽ được “bình đẳng” như người lớn và anh chị chúng, sớm được bảo vệ trước dịch bệnh và được cắp sách đến trường.

Ảnh minh họa: hanoimoi.vn
Ảnh minh họa: hanoimoi.vn

Tuy nhiên, vẫn còn không ít bậc phụ huynh còn băn khoăn, cân nhắc việc tiêm cho con em họ. Cụ thể, trong số hơn 415.000 người đã tham gia cuộc khảo sát trực tuyến của Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết ý kiến về việc tiêm vắc xin Covid-19 cho con em mình trong độ tuổi 5 đến 11, đã có 60,6% ý kiến đồng ý tiêm, 1,9% không đồng ý, 29,1% cân nhắc, 7,6% đồng ý nếu bắt buộc.

Bên cạnh đó vẫn còn khá nhiều người băn khoăn giữa lợi ích và tác hại nếu tiêm cho con em mình, mà băn khoăn lớn nhất chính là hiệu quả và tính an toàn của vắc xin đối với lứa tuổi non nớt này. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Trẻ em kháng thể tốt, tỷ lệ biến chứng nặng rất thấp, vậy có cần tiêm phòng không?

Liệu tiêm vắc xin này có ảnh hưởng đến sức khỏe của các con hay không? Có rủi ro khi tiêm không? Có để lại những di chứng nguy hiểm trong tương lai hay không? Theo ý kiến của nhiều bậc phụ huynh, ngành y tế cần đưa thêm nhiều báo cáo thuyết phục để việc sử dụng vắc xin đạt được sự đồng thuận cao hơn.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và của nhà sản xuất thì tính an toàn của vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi cũng tương tự như đối với vắc xin sử dụng cho người lớn và trẻ lớn từ 12 đến 17 tuổi. Hiện nay, đã có 64 quốc gia cho phép sử dụng vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

Ở Mỹ - một nước rất khắt khe trong việc cấp phép vắc xin - cũng đã cấp phép khẩn cấp cho vắc xin nhóm tuổi này. Hơn 9 triệu trẻ em Mỹ từ 5 đến 11 tuổi đã tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Việt Nam cũng đã tham khảo số lượng vaccine cho trẻ, hiện nay đã có 80 triệu liều của hãng Pfizer/ BioNTech được phân bổ cho các quốc gia.

Hãy nhớ lại quãng thời gian không xa, chúng ta cũng gặp khá nhiều băn khoăn và ý kiến trái chiều trước khi tiêm vắc xin Covid-19 cho người lớn và cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng ta hoàn toàn đồng ý với nhau về tác dụng của việc tiêm vắc xin, nhờ đó Việt Nam giảm rõ rệt số ca nặng và tử vong do Covid-19.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay đã giúp Việt Nam ứng phó, kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội trên cả nước đã từng bước trở lại trạng thái bình thường mới khi những biện pháp hạn chế, kiểm soát đi lại được dỡ bỏ.

Nói về việc cần thiết phải tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho trẻ, theo TS, BS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, theo hướng dẫn từ hãng dược Pfizer, trẻ từ 5 đến 11 tuổi sử dụng vắc xin với hàm lượng 1/3 so với người lớn và thanh thiếu niên.

Trẻ em 5 - 11 tuổi phần lớn chưa bước vào giai đoạn dậy thì, chưa trải qua quá trình cơ thể thay đổi hormone, do đó ít xảy ra các phản ứng phụ sau tiêm - “Tiêm cho trẻ em liều như thế gần như không có các phản ứng phụ bất lợi nên được đánh giá là mũi tiêm an toàn”.

Hiện nay đã có 44 quốc gia đã triển khai tiêm vắc xin này với khoảng 12 triệu liều. “Các nước đã tiêm vắc xin cho đối tượng trẻ độ tuổi này không gặp biến cố bất lợi nào ghê gớm hay viêm cơ tim. Đó là lý do vì sao vắc xin an toàn nhưng vẫn có hiệu lực bảo vệ”, Bác sĩ Thái cho biết.

Hơn nữa, theo Bác sĩ Thái, trẻ em khi nhiễm ít biến chứng nặng dẫn tới tử vong, nhưng sẽ là nguồn lây với cộng đồng và các em cũng có khả năng gặp hội chứng “hậu Covid”, ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần. Đặc biệt, với trẻ béo phì, có bệnh nền thì càng nguy hiểm bởi nguy cơ diễn biến nặng nếu mắc phải - “Đó là lý do vì sao trẻ em nên được tiêm chủng vì những giá trị kéo dài tốt đẹp của tiêm vắc xin Covid-19”.

Còn theo PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, trong thử nghiệm lâm sàng của hãng Pfizer, vắc xin đã được chứng minh an toàn và có hiệu quả hơn 90% đối với trẻ em từ 5 đến 11 tuổi trong thời điểm mà biến thể Delta là chủng vượt trội. Về tác động lâu dài của vắc xin liên quan đến sinh sản, di truyền, theo Bác sĩ Điển, bản chất của vắc xin này là các thành phần RNA thông tin - khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus.

Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng. Do đó, với tư cách là bác sĩ nhi khoa, Bác sĩ Điển khuyên các bố mẹ nên đồng thuận cho con mình tiêm chủng. Trẻ em được quyền hưởng những thành quả của khoa học, thành quả của nghiên cứu.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM thì khẳng định, tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là việc hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ hơn là tác hại. Đối với vắc xin Pfizer, theo nghiên cứu của CDC Hoa Kỳ về phản ứng phụ sau tiêm, trong 4.000 trường hợp trẻ tiêm Pfizer thì không có trường hợp nào sốc phản vệ. “Việc chích ngừa vắc xin Covid-19 cho trẻ là xu hướng toàn cầu. Các quốc gia khác còn đang nghiên cứu tiêm vắc xin cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Vì vậy, để bảo vệ trẻ, phụ huynh nên sớm đồng ý cho các cháu tiêm” – Bác sĩ Hùng khuyến cáo.

Về tính an toàn trong công tác tổ chức tiêm chủng, PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, ngành y tế “rất vững tay” để chúng ta có một chiến dịch tiêm chủng an toàn, bảo đảm cho nhóm trẻ em từ 5 đến 11 tuổi bởi các chiến dịch tiêm chủng cho người lớn và trẻ em từ 12 đến 17 tuổi của chúng ta đã rất thành công.

Đưa ra các chứng cứ khoa học và thực tiễn trên, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tiêm chủng và phòng chống Covid-19 đều khẳng định một thông điệp rất rõ ràng: Lợi ích của tiêm chủng là rất lớn, lớn gấp nhiều lần so với rủi ro. Các bậc cha mẹ không phải đắn đo nhiều và nên lựa chọn tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em. Trẻ em có quyền được bảo vệ, quyền được tiêm chủng và không bị lây nhiễm bệnh tật.

Tính đến ngày 6/3, cả nước đã tiêm gần 198 triệu liều vắc xin Covid-19 cho người lớn và trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, tỷ lệ bao phủ 2 mũi vắc xin đạt trên 90%, vậy thì không có lý do gì để chúng ta “lãng quên” quyền được bảo vệ sức khỏe của trẻ em. Hãy cho trẻ đi tiêm ngay khi có vắc xin.

Trẻ em là tương lai của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã luôn dành sự quan tâm hết sức to lớn cho trẻ em. Chính phủ đồng ý mua 21,9 triệu liều vắc xin Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng là nhằm có thêm “lá chắn” bảo vệ cho nhóm đối tượng này, để có được một thế hệ tương lai khỏe mạnh, an toàn. Hy vọng, mục tiêu bao phủ 90 - 95% vắc xin cho nhóm trẻ từ 5 đến 11 tuổi được triển khai thành công, tạo môi trường an toàn hơn để mọi trẻ em được hòa chung trạng thái “bình thường mới” của xã hội, sớm được tung tăng cắp sách tới trường...

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.