Chớ sinh hoạt xa hoa, lãng phí
Nói về ăn uống, người xưa có những câu căn dặn chí tình, chí nghĩa như “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Học ăn, học nói, học gói, học mở”; nhưng đồng thời cũng đưa ra lời khuyên răn, cảnh tỉnh: “Miếng ăn là miếng tồi tàn”, “Miệng ăn núi lở”, “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”...
Ăn uống là nhu cầu bản năng, thiết yếu của con người. Quan trọng là ăn uống làm sao cho nhã nhặn, đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ, phù hợp với điều kiện của bản thân, gia đình và cộng đồng, xã hội. Thời nay, bên cạnh phần lớn cán bộ, đảng viên giữ nếp sống cần, kiệm, ăn uống giản dị, thì vẫn có một bộ phận tuy mang tiếng là “công bộc, đầy tớ của dân” song lại có cuộc sống xa dân, sinh hoạt lãng phí, ăn uống bê tha, phản cảm.
Cách đây chưa lâu, dư luận từng xôn xao về không ít trường hợp cán bộ, công chức bị “méo mó” hình ảnh bản thân, đó là một cán bộ lãnh đạo cấp huyện vẫn nhậu nhẹt buổi trưa trong khi đi chỉ đạo người dân khắc phục hậu quả mưa lũ; hai ông cán bộ lãnh đạo cấp sở “choảng” nhau sau khi uống bia ở quán karaoke; một công chức huyện sau khi nhậu nhẹt quá đà đã đánh một bà lão gây thương tích... Công luận cũng từng “điểm mặt, chỉ tên” không ít cơ quan, địa phương, nhất là cấp cơ sở đã chi tiêu “vung tay quá trán”, ghi nợ hàng trăm triệu đồng nhà hàng, quán xá trên địa bàn chỉ vì tiếp khách cấp trên quá đà, quá trớn!
Tranh minh họa.Ảnh: Dân trí |
Những cán bộ, công chức sa vào lối sống xa hoa, nhậu nhẹt phản cảm có lẽ đã quên lời căn dặn của Bác Hồ rằng, ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì không nên. Bác cũng huấn thị rằng, khi làm cách mạng mà không cải cách tính nết mình trước tiên để phù hợp với đời sống mới, khi còn sinh hoạt xa hoa, tiêu xài lãng phí thì không thể giáo dục, hướng dẫn được nhân dân noi theo mình. Miệng nói là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân mà lại sống xa cách dân, mâm cao cỗ đầy ăn không hết trong hoàn cảnh nhiều người dân còn lam lũ, đất nước còn khó khăn, là rất trái với bản chất đạo đức, lương tâm người cộng sản.
Sinh thời, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu (1916-2021), một trong những trí thức tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh từng trăn trở về một bộ phận cán bộ sống phô trương, lãng phí. Vị giáo sư đáng kính đặt ra hai câu hỏi: “Nếu như Bác còn sống tới hôm nay, Bác sẽ nghĩ như thế nào về những người vẫn tự nhận là đầy tớ của nhân dân, nhưng đã có cuộc sống xa hoa gấp trăm ngàn lần cuộc sống của người dân bình thường?; Khi quan chức chỉ còn biết có cá nhân mình, chỉ ngày đêm chăm lo cho sự giàu có của bản thân và gia đình, tìm mọi cách để ăn ngon, mặc đẹp, thoả mãn những thú vui vật chất thì làm sao còn rung động được trước những cảnh nghèo đói, đau khổ của người khác?”.
Trăn trở điều đó là có cơ sở. Vì trong thực tế, có một số cán bộ từng có những năm tháng rèn luyện chỉn chu, cần, kiệm, hòa vào cuộc sống cần lao của dân, nhưng sau khi có quyền cao chức trọng đã được nhiều doanh nghiệp, đối tác mời gọi ra các nhà hàng sang trọng, khách sạn cao cấp để ăn uống, giao lưu. Nếu không tỉnh táo, tinh tế trong ứng xử, mà cán bộ lại nể nang, dễ dãi tham dự những buổi tiệc tùng như vậy, vừa dễ bị người khác lợi dụng, vừa dễ sa vào cách sống buông thả. Lối sống trên dân, xa dân cũng từ đó dần nảy nở, hình thành trong con người cán bộ và đây là mầm mống của căn bệnh quan liêu, thờ ơ, vô cảm với dân.
Trong thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc, hầu hết cán bộ, đảng viên đã thu phục, lôi cuốn được quần chúng đi theo cách mạng bởi họ luôn biết chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ với quần chúng. Trong thời bình xây dựng đất nước, điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, dù không ai muốn cán bộ kham khổ như xưa, nhưng Đảng và Nhà nước rất cần họ nêu gương trước nhân dân về lối sống lành mạnh, giản dị. Nếu cán bộ có lối sống phô trương, xa hoa thì không những không lãnh đạo, giáo dục, thuyết phục được nhân dân, mà còn vô hình trung cổ vũ cho lối sống thực dụng, lãng phí; đồng thời làm phương hại chuẩn mực giá trị đạo đức công vụ và làm giảm niềm tin của dân vào Đảng và chế độ.
Theo qdnd.vn