.

Để tài năng không phải lãng phí

Cập nhật: 10:49, 28/05/2023 (GMT+7)

Bộ phim Bên trong vỏ kén vàng, đại diện duy nhất của Việt Nam tranh giải tại Liên hoan phim (LHP) Cannes 2023, đã nhận được tràng pháo tay dài 5 phút sau buổi công chiếu. Để có được sự tôn vinh ấy, là cả một hành trình dài với nhiều nỗ lực của đạo diễn và ê kíp.

a
Bộ phim Bên trong vỏ kén vàng

Đã có không ít lời khen đến từ những cây bút phê bình điện ảnh của các tờ báo quốc tế dành cho bộ phim sau buổi công chiếu. Trang Variety đánh giá bộ phim có chất thơ với “phong cảnh làng quê Việt Nam huyền bí”.

Tờ Screen Daily lại cho rằng phim “đầy hấp dẫn, khêu gợi và bí ẩn”. Trang IndieWire chấm điểm B+ và nhận xét phim “đầy thôi miên”. Bên trong vỏ kén vàng được phát triển từ phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng từng đoạt giải Illy hạng mục Tuần lễ Đạo diễn tại Cannes 2019. Đây cũng là 1 trong 5 tác phẩm xuất sắc nhất mùa 1 Dự án phim ngắn CJ.

Hành trình từ phim ngắn đến phim dài đầu tay là những tháng ngày đạo diễn Phạm Thiên Ân mang dự án đi giới thiệu tại nhiều nơi để kêu gọi sự ủng hộ, xin kinh phí. Con đường của Phạm Thiên Ân cũng giống như nhiều nhà làm phim độc lập, nghệ thuật trẻ của Việt Nam hiện nay. Khi trong nước chưa có quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, họ buộc phải đưa dự án đi giới thiệu tại các LHP, chợ dự án ở nước ngoài. Điều này trước hết mang đến cơ hội tiếp cận kinh phí từ các quỹ điện ảnh nước ngoài nhưng quan trọng nhất là nhờ đó có thể mở rộng hợp tác sản xuất, tăng cường giao lưu, học hỏi. Điều này cho thấy các nhà làm phim trẻ Việt Nam đang dần chủ động để hòa mình vào không khí và dòng chảy điện ảnh quốc tế. Sau khi hoàn thành, bộ phim đã tham gia nhiều giải thưởng, LHP, tăng cơ hội phân phối ở nhiều thị trường, qua đó quảng bá hình ảnh Việt Nam. Trường hợp gần nhất của phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương là ví dụ điển hình.

Từ trường hợp của Bên trong vỏ kén vàng, câu chuyện về nâng bước, hỗ trợ tài năng trẻ, dự án nghệ thuật của người trẻ không còn là vấn đề của riêng lĩnh vực điện ảnh. Hiện nay, người trẻ, gồm cá nhân và hội, nhóm, đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào các loại hình nghệ thuật, nhất là nghệ thuật đương đại và truyền thống. Trên thực tế, rất nhiều người trẻ và các dự án của họ đều có xuất phát điểm tương đối giống nhau: làm vì đam mê và theo hướng tự phát. Quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm giúp họ dần trưởng thành để hoàn thiện chính mình và dự án. Từ đó, thông qua cách suy nghĩ, tiếp cận mới, họ mong muốn góp phần làm phong phú hơn các giá trị văn hóa - nghệ thuật, đưa nghệ thuật gần gũi hơn với đời sống.

Nhưng, không phải dự án nào cũng có thể đi đường dài và đạt được những mục tiêu đề ra ban đầu. Không ít người từng tiếc nuối cho Nguyên Phong Đoạn Lĩnh - nhóm các bạn trẻ đam mê trong việc phỏng dựng trang phục hoàng gia Việt Nam. Nhưng rồi, chính họ lại phải “đứt gánh giữa đường” vì nhiều lý do khác nhau, chủ yếu là làm sao có kinh phí duy trì hoạt động. Bài toán đó cũng chính là thách thức của nhiều cá nhân, dự án nghệ thuật tại Việt Nam hiện nay. Bởi, không phải ai cũng may mắn nhận được sự hỗ trợ kịp thời cả về tinh thần, vật chất, sự chung tay, giúp sức từ cộng đồng. Hiện nay, số quỹ dành cho nghệ thuật ở Việt Nam khá hạn chế. Việc tiếp cận tài chính, nhất là với các nghệ sĩ, dự án mới, còn rất khó khăn.

Để phát triển văn hóa - nghệ thuật, nguồn nhân lực luôn đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh nỗ lực, khổ luyện của mỗi cá nhân để tạo nên tiếng vỗ tay lớn còn cần sự hỗ trợ, chung sức từ các yếu tố khách quan: cơ chế chính sách, môi trường, điều kiện cần thiết… Phát hiện tài năng đã khó, nếu để tài năng bị lãng phí còn là điều đáng tiếc hơn. Bản thân mỗi nghệ sĩ, dự án nghệ thuật luôn cần môi trường để những hạt mầm được đơm hoa, kết trái và lan tỏa những giá trị tích cực cho xã hội.

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.