Thực sự đem đến "nụ cười cho phụ nữ"
(ABO) Ngay trong ngày 8-3, đánh dấu 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3-1910 - 8-3-2024), nhiều tờ báo đăng tải thông tin về Việt Nam thăng hạng về bình đẳng giới. Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong việc trao quyền và nâng cao năng lực cho phụ nữ; đồng thời, được đánh giá là hình mẫu thành công trên thế giới về thúc đẩy bình đẳng giới...
Đó là những thông tin đã mang đến cho phụ nữ sự tự hào, phấn khởi ngay trong ngày tôn vinh “phái đep”, bởi những nỗ lực đóng góp của họ trong mọi mặt đời sống đã được ghi nhận, đánh giá tích cực.
Tiền Giang ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào sản xuất, phát triển kinh tế, đóng góp sản phẩm cho xã hội. |
Theo con số thống kê, năm 2023, Việt Nam tăng 11 bậc về thu hẹp khoảng cách giới so với năm 2022 (từ thứ hạng 83 lên 72 trong số 146 nước tham gia xếp hạng). Khi xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng, phụ nữ càng thể hiện rõ nét những phẩm chất mới, nổi bật như: Năng động, sáng tạo; tự tin, tự trọng; dám nghĩ, dám làm. Như nhiều ý kiến đã nhận định, phụ nữ được xem là “phái yếu” nhưng thực tế họ có sức chịu đựng dẻo dai, mạnh mẽ hơn đàn ông.
Người phụ nữ ngày nay vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà. Vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội được coi trọng. Việt Nam có tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động trên 70% - một trong những nước cao nhất thế giới, và tỷ lệ thành viên nữ trong Quốc hội là 30,26% - vượt mức trung bình toàn cầu là 25,5%.
Nhiều điển hình trong lĩnh vực chính trị, nhà lãnh đạo tài ba các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn, nhà khoa học xuất sắc… là nữ giới xuất hiện đã khẳng định chỗ đứng của phụ nữ trong xã hội. Nhiều tấm gương phụ nữ được xã hội ghi nhận, tôn vinh, giúp người phụ nữ tự tin hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn trong cuộc sống. Đó cũng là những điểm sáng về bình đẳng giới.
Tiền Giang có tỷ lệ tham gia vào lĩnh vực lao động việc làm ngày càng tăng. |
Khi phụ nữ tỏ rõ vai trò, khả năng, sức sáng tạo của mình, xu thế phát triển hiện nay cũng tạo ra nhiều cơ hội mới cho phụ nữ phát huy năng lực bản thân. Quy định pháp luật, bao gồm Luật Bình đẳng giới và yêu cầu tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội từ 35% trở lên, đã tạo điều kiện cho môi trường chính sách và pháp lý thúc đẩy đầu tư vào nâng cao năng lực cho phụ nữ.
Chính phủ đã triển khai lồng ghép các sáng kiến ưu tiên vào các chương trình, đề án cấp quốc gia, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái. Phải nói rằng, phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội để nâng cao trình độ, phát triển chuyên môn, lựa chọn việc làm, thu nhập, tham gia hoạt động xã hội…
Tuy nhiên, giống như các quốc gia khác trên thế giới, phụ nữ Việt Nam vẫn phải đối mặt với những rào cản về cơ hội bình đẳng trong giáo dục, việc làm và tiếp cận các vị trí lãnh đạo. Nhiều rào cản đã được chỉ ra khi phụ nữ vẫn chịu “gánh nặng kép” về công việc xã hội và chăm sóc gia đình.
Rồi những vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái liên tục xảy ra cũng gây bức xúc trong dư luận. Bức tường vô hình với bản chất là định kiến giới vẫn còn hiện diện cả trong gia đình và xã hội, đã tạo rào cản mà nhìn bề ngoài thì không thấy, khó thấy nhưng không dễ để vượt qua…
Vẫn biết rằng, để vươn lên, đi đến quyền bình đẳng thật sự phần nhiều xuất phát từ nỗ lực của chính phụ nữ, nhưng quan trọng là các chính sách để thay đổi cách nhìn nhận của cộng đồng về cơ hội phát triển, khẳng định mình của phái nữ. Từ đó thực sự đem đến “nụ cười cho phụ nữ”, cũng như năm 2024, Liên Hợp quốc chọn chủ đề của Ngày Quốc tế Phụ nữ là: “Đầu tư cho phụ nữ: Đẩy nhanh tốc độ phát triển”, nhấn mạnh sự quan trọng của bình đẳng giới, củng cố quyền lợi và sức mạnh của phụ nữ.
HỮU NGHỊ