.

Đừng để những kẻ cơ hội trên mạng dẫn dắt tâm lý

Cập nhật: 10:39, 12/06/2024 (GMT+7)

Trong thời đại bùng nổ thông tin, không ít kẻ cơ hội đã và đang lợi dụng mạng xã hội để đưa thông tin sai lệch, suy diễn quy chụp, thiếu kiểm chứng nhằm đạt mục đích cuối cùng là trục lợi, chống phá chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Chiêu trò “lập lờ đánh lận con đen”

Xuyên tạc được hiểu là trình bày sai sự thật với dụng ý xấu; quy chụp là đưa ra nhận định về chủ thể, vấn đề nào đó một cách chủ quan thiếu căn cứ.

Công tác cán bộ được Đảng và Nhà nước xác định là khâu “then chốt của then chốt”. Vấn đề này luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và theo dõi sát sao của người dân. Đây là điều chính đáng bởi tầm quan trọng của công tác này liên quan đến vận mệnh đất nước. Do tính chất quan trọng và sự quan tâm đặc biệt của người dân về vấn đề này mà những kẻ cơ hội thường xuyên xuyên tạc, đưa ra những luận điệu sai trái hòng dẫn dắt dư luận để chống phá; nhất là trước, trong và sau những cuộc họp quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Những kẻ cơ hội khai thác triệt để các tính năng của mạng xã hội như: Facebook, YouTube, Instagram với độ tương tác, chia sẻ nhanh chóng và dễ tiếp cận người dùng nhằm đăng tải, chia sẻ những thông tin lệch lạc. Để “tăng like”, câu “view”, những kẻ cơ hội dùng những từ ngữ giật gân, “lập lờ đánh lận con đen” hoặc “ám chỉ” để chứng tỏ sự am tường hiểu biết về “nội bộ” làm cho người đọc khó phân biệt đâu là thật, giả, đúng sai và “đánh” vào tâm lý hiếu kỳ tò mò. Từ đó suy diễn, quy chụp công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước là “hình thức không thực chất”, “sự áp đặt từ trên xuống” nhằm kích động tâm lý hoài nghi, thao túng tâm lý và dẫn dắt dư luận.

Thực tế công tác lựa chọn cán bộ của Đảng và Nhà nước được tiến hành từng bước, theo quy trình khoa học, chặt chẽ, thận trọng, bài bản để chọn ra những hạt nhân tiêu biểu, có đủ phẩm chất, năng lực bầu vào các chức danh chủ chốt. Trong bài phát biểu tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Đây là công việc vô cùng quan trọng. Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm sâu sắc, chính đáng của toàn Đảng, toàn dân.

Gần như đi đến đâu, ở chỗ nào, cũng thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân tỏ ra quan tâm theo dõi và có phần băn khoăn, lo lắng, đặt câu hỏi: Đảng ta sắp tới dự định lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo (Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là cán bộ chủ chốt) thế nào để đủ sức gánh vác nhiệm vụ ? Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo: Các phần tử xấu, cơ hội, thù địch cũng nhân dịp này tìm mọi cách xuyên tạc, tung tin, tác động, chia rẽ nội bộ ta hòng phá hoại công tác nhân sự nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung của chúng ta, rất thâm độc và nguy hiểm.

Bất chấp quy định của pháp luật để “câu view”

Mới đây, việc “đội quân” Youtuber, Tiktoker, Facebooker… theo ông Lê Anh Tú (tên gọi khác Thích Minh Tuệ, sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại Thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) từng bước chân cả ngày lẫn đêm để làm nội dung “câu view”, “câu like” khiến ông này bất đắc dĩ trở thành hiện tượng trên mạng xã hội. Từ độc hành khất thực, ông Thích Minh Tuệ có cả trăm người đi theo cho đến ngày (3/6) ông tự nguyện dừng đi bộ khất thực.

Những kẻ cơ hội mạng xã hội xem đây là thời cơ tốt để xuyên tạc, quy chụp và đả kích các cá nhân, tổ chức, thậm chí cả chính sách tôn giáo của Việt Nam. Một số đối tượng đã đả kích Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm hạ uy tín của tổ chức này, chia rẽ tôn giáo. Rồi chúng xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước thông qua việc cắt ghép hình ảnh, lời nói của một số cá nhân rồi suy diễn, quy chụp “chính quyền cản trở” ông Thích Minh Tuệ đi bộ khất thực.

Thực tế chính quyền các địa phương đã luôn tạo điều kiện thuận lợi và hướng dẫn, phân luồng phương tiện tham gia giao thông, để hoạt động của ông Thích Minh Tuệ và đoàn tu hành diễn ra bình thường và đảm bảo an toàn. Điều này chứng minh, công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, như Điều 24 của Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định: "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật".

Sau ngày ông Thích Minh Tuệ tự nguyện dừng đi bộ khất thực, những kẻ cơ hội lại tung ra luận điệu ông “mất tích”, “yêu cầu làm rõ tung tích” của ông. Thực tế việc tự nguyện dừng đi bộ khất thực là quyền của ông Thích Minh Tuệ. Nhà nước tôn trọng, bảo đảm quyền con người. Chính các Youtuber, Tiktoker, Facebooker… livestream ông Thích Minh Tuệ đi bộ khất thực, làm nội dung bất chấp để “câu view”, “câu like” mới xâm phạm đến quyền riêng tư, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự.

Ngày 3/6, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế đã làm việc với ông Nguyễn Văn Tý (sinh năm 1990, trú tỉnh Bình Dương, quản lý kênh Youtube "15s Bình Dương") thông tin sai lệch về sự việc ông Thích Minh Tuệ tại địa bàn xã Hương Thọ, thành phố Huế. Cá nhân này đã đăng tải các video có tiêu đề, ảnh bìa thể hiện nội dung "giật tít", "câu view" với những thông tin sai sự thật về tình hình an ninh trật tự địa phương và gây hoang mang trong nhân dân.

Sau buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tý đã nhận thức được việc đăng tải các nội dung trên đã tạo sự hiếu kỳ, tò mò khiến người dân tụ tập đông người làm cản trở giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự. Cá nhân này đã viết bản tường trình và cam đoan không tái diễn việc làm tương tự; đồng thời chịu mọi hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.

Vai trò của báo chí

Trước hết cần khẳng định rằng, thông tin trên mạng xã hội không phải là báo chí. Không thể phủ nhận khả năng thông tin nhanh nhạy từ các mạng xã hội, nhưng chỉ có thông tin thì đó chưa phải là báo chí. Vì báo chí, ngoài tin tức còn cần tính kỷ luật, phân tích, giải thích và quan trọng nhất là độ tin cậy. Trong 10 điều về đạo đức nghề báo, do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành năm 2016, Điều 3 nêu rõ: “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi, bảo vệ công lý và lẽ phải; không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc”; Điều 5 có hàm ý nhắc nhở nhà báo: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”.

Thời gian qua, không ít thông tin thất thiệt được lan truyền trên mạng xã hội, đặc biệt là thông tin đánh vào tâm lý tò mò như các vụ án, chuyện đời tư… Và cũng có không ít thông tin có nội dung nhảm nhí được chính chủ tài khoản của mạng xã hội “sáng tác” nhằm “câu view”, “tăng like”. Đặc biệt, trong đó nhiều thông tin có mục đích cuối cùng là để trục lợi hoặc chống phá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh việc các cơ quan chức năng xử lý các đối tượng lan truyền thông tin sai sự thật theo quy định của pháp luật, các cơ quan báo chí cũng đang đẩy mạnh đấu tranh với vấn nạn này. Nhiều cơ quan thông tấn, báo chí đã tăng thời lượng, bài viết sắc bén có độ thuyết phục cao để nhận diện những kẻ cơ hội lợi dụng mạng xã hội để dẫn dắt dư luận, phản bác quan điểm sai trái. Điển hình như gần đây Thông tấn xã Việt Nam, báo Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân... đã có nhiều bài viết phản bác luận điệu sai trái.

Mỗi người sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm và nhân văn chính là đồng hành cùng cơ quan quản lý, cơ quan báo chí trong đấu tranh với những kẻ cơ hội.

Theo TTXVN

 

.
.
.