.

Nghĩ về Ngày 21-6

Cập nhật: 10:41, 21/06/2024 (GMT+7)

(ABO) Ngày 21-6 hằng năm là một ngày đặc biệt với những người làm báo Việt Nam nói chung và người làm báo Tiền Giang nói riêng. Đó là ngày kỷ niệm Báo chí cách mạng Việt Nam, ngày mà chúng ta nhìn lại hành trình dài với những bước phát triển và những đóng góp quan trọng của báo chí vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những ngày này, cảm xúc của những người làm báo càng trở nên đặc biệt và sâu sắc hơn bao giờ hết.

Như chúng ta biết, trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 của thế kỷ XIX đã có Gia Định báo và một số báo khác lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội cũng như một vài địa phương khác. Nhưng Báo Thanh Niên đã mở ra một dòng báo chí mới: Báo chí cách mạng Việt Nam.

Ngày 21-6-1925, Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên, bắt đầu hình thành dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Báo Thanh Niên giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Do ý nghĩa đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 ngày 5-2-1985 lấy ngày 21-6 hằng năm làm Ngày Báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.

Đến ngày 21-6-2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Thật vậy, đối với người làm báo, Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6) có ý nghĩa quan trọng và to lớn, đây cũng là dịp để những người làm báo nhớ về lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng và tác động to lớn của báo chí. Người coi “Văn hóa là một mặt trận”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, phẩm chất đạo đức, năng lực của người làm báo là yêu cầu không thể thiếu để báo chí xứng đáng với vai trò, vị trí quan trọng trong công cuộc cách mạng chung của đất nước.

99 năm qua, nhiều dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của báo chí Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, các nhà báo trên khắp cả nước cùng nhau ôn lại chặng đường đã qua, đắm mình trong cảm xúc tự hào và ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với xã hội.

Với nhiều nhà báo, ngày này không chỉ là dịp để tự hào về nghề nghiệp của mình, mà còn là lúc để nhìn lại chặng đường đã qua, từ những ngày đầu gian khó với phương tiện thô sơ, đến hôm nay khi công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, nhà báo càng thêm tự hào về sự kiên cường và sáng tạo của nghề nghiệp mình khi báo chí đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống xã hội.

Báo chí đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành người bạn đồng hành tin cậy của nhân dân. Sự tự hào ấy không chỉ đến từ việc chúng ta đã góp phần đưa thông tin chính xác, kịp thời đến với công chúng, mà còn từ việc đã đứng vững trong những thời khắc khó khăn nhất của lịch sử dân tộc.

Cùng với sự tự hào là cảm giác trách nhiệm lớn lao. Trách nhiệm ấy không chỉ nằm ở việc đưa tin đúng, nhanh và chính xác, mà còn ở việc bảo vệ đạo đức nghề nghiệp, giữ gìn sự trung thực và công bằng trên từng trang viết. Nhà báo hiểu rằng, mỗi từ ngữ, mỗi thông tin đưa ra đều có sức ảnh hưởng lớn đến dư luận và xã hội. Họ không chỉ đơn thuần là người đưa tin, mà còn là người định hình dư luận, góp phần xây dựng xã hội.

Đặc biệt, trong bối cảnh thông tin tràn lan như hiện nay, việc giữ vững đạo đức nghề nghiệp, tránh xa những cám dỗ của tin tức giật gân, thiếu kiểm chứng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhà báo phải luôn tỉnh táo, không ngừng học hỏi và nâng cao trình độ chuyên môn để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Các phóng viên, Nhà báo các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ đi thực tế trao đổi, học tập kinh nghiệm tại VOV
Phóng viên, nhà báo các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ đi thực tế trao đổi, học tập kinh nghiệm tại Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV)

Niềm vui của người làm báo không chỉ đến từ những bài viết được độc giả đón nhận, mà còn từ những lần khám phá ra những sự thật mới, những câu chuyện nhân văn, những hành động tử tế hay những thành tựu của đất nước, của địa phương được truyền tải rộng rãi. Đó là niềm vui khi thấy công sức của mình được đền đáp, khi thấy mình đã góp phần nhỏ bé vào việc làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, cùng với niềm vui là áp lực không nhỏ. Áp lực từ việc phải luôn cập nhật, phải đối mặt với những thách thức từ công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big data) đã thay đổi căn bản cách thức thu thập, xử lý và truyền tải thông tin và từ những yêu cầu ngày càng cao của độc giả. Các nhà báo phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức và kỹ năng để có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Các phóng viên, Nhà báo các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ đi thực tế trao đổi, học tập kinh nghiệm tại
Các phóng viên, nhà báo hôm nay không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới (Trong ảnh: Đoàn Nhà báo, phóng viên các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ đi thực tế trao đổi, học tập kinh nghiệm tại Tạp chí Tri Thức tại Hà Nội

Thách thức là vậy, áp lực ngày càng nhiều nhưng điều gì giữ chân những người làm báo ở lại với nghề? Qua trao đổi cũng như chia sẻ của các đồng nghiệp, chúng tôi có câu trả lời với đa số sự đồng tình rằng:  Vượt qua những áp lực và thách thức, chính là niềm đam mê và tình yêu sâu sắc với nghề nghiệp.

Đó là tình yêu với sự thật, với sứ mệnh cao cả của báo chí trong việc phản ánh hiện thực và góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Mỗi bài viết, mỗi bản tin không chỉ là kết quả của lao động trí óc, mà còn là kết tinh của tình yêu nghề nghiệp. Chính niềm đam mê này đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn, không ngừng sáng tạo và đổi mới để phục vụ công chúng một cách tốt nhất.

Những ngày này, mỗi người làm báo đều cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết về những giá trị và trách nhiệm của nghề nghiệp mình. Tự hào về quá khứ, trách nhiệm với hiện tại và niềm đam mê với tương lai, tất cả hòa quyện tạo nên động lực để người làm báo tiếp tục cống hiến, góp phần xây dựng nền Báo chí Việt Nam ngày càng vững mạnh và phát triển.

THU HOÀI

.
.
.