Trào lưu "anti vắc xin" đi ngược lại tiến bộ y học
Vài năm trở lại đây, có không ít người lo ngại về sự nguy hại của việc tiêm vắc xin đối với sự phát triển của trẻ, từ đó tạo nên trào lưu “anti vắc xin” (chống vắc xin) không cho trẻ tiêm vắc xin. Điều này rất nguy hiểm, sẽ khiến cho nhiều trẻ bị vi rút tấn công vì không được tiêm ngừa.
Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là việc người lớn cần làm để bảo vệ con em khỏi bệnh truyền nhiễm. |
VẮC XIN - CÔNG CỤ HỮU HIỆU PHÒNG BỆNH
Vắc xin là công cụ rất hiệu quả trong dự phòng các bệnh lây nhiễm. Hiện nay, có gần 30 bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng được bằng vắc xin. Không giống như các can thiệp y tế khác, vắc xin giúp cho dự phòng, bảo vệ sức khỏe con người. Việc tiêm vắc xin không chỉ làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, mà còn giúp trẻ em phát triển khỏe mạnh về thể chất và trí não.
Vắc xin còn giúp giảm số ngày ốm và nhập viện, từ đó sẽ giảm chi phí chăm sóc y tế; giảm tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật gây nên. Ngoài ra, tiêm chủng còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn như vắc xin phòng cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu, phòng ung thư gan, phòng ung thư cổ tử cung...
TRẦN THANH THẢO |
Bên cạnh những lợi ích trực tiếp và gián tiếp của vắc xin trong việc làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong của các bệnh lây nhiễm, thì vắc xin còn có những tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau.
Việc đầu tư cho tiêm chủng dự phòng bằng vắc xin là đầu tư cho phát triển. Tại Mỹ, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật của nước này đã xếp tiêm chủng mở rộng (TCMR) đứng thứ 4 trong 10 thành tựu lớn nhất về y tế công cộng của thế kỷ XX.
Nhờ có vắc xin, thế giới đã thanh toán được bệnh đậu mùa. Bệnh bại liệt hiện chỉ còn lưu hành ở 4 nước. Số trẻ chết vì bệnh sởi năm 2007 giảm 78% so với năm 2000. Số trẻ chết vì viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do Hib hằng năm giảm khoảng 2,5 triệu trẻ sau khi nhiều nước triển khai đưa vắc xin viêm gan B và Hib vào Chương trình TCMR sau năm 2000.
Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 được coi là thập kỷ thành công nhất của lịch sử phát triển vắc xin. Cùng với các hoạt động nâng cao hiệu quả công tác của hệ thống y tế, sự tăng đầu tư nguồn lực và kinh phí, nhiều loại vắc xin mới cũng đã được đưa vào Chương trình TCMR gồm: Vắc xin phế cầu phòng viêm phổi, vắc xin rota phòng tiêu chảy cùng các loại vắc xin khác như sốt vàng, não mô cầu, viêm não Nhật Bản, rubella, thương hàn, HPV...
Tổ chức Y tế thế giới ước tính, nếu tất cả các loại vắc xin sẵn có hiện nay đều được sử dụng rộng rãi trên thế giới với tỷ lệ bao phủ cao trên 90%, thì hằng năm dự phòng thêm khoảng 2 - 3 triệu trẻ em không bị chết vì các bệnh truyền nhiễm, góp phần đạt mục tiêu của thiên niên kỷ làm giảm 2/3 số trẻ em chết dưới 5 tuổi.
Tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc, Chương trình TCMR được triển khai thực hiện từ năm 1981 với 6 loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gồm lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt.
Năm 1997, Chính phủ quyết định đưa thêm 4 loại vắc xin mới vào TCMR gồm: Vắc xin viêm gan B, viêm não Nhật Bản B, tả và thương hàn. Từ tháng 6-2010, Chương trình TCMR triển khai tiêm miễn phí vắc xin mới phòng bệnh viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib phối hợp các vắc xin phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B (vắc xin 5 trong 1) để tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi, đánh dấu vắc xin thứ 11 được đưa vào TCMR ở Việt Nam.
Qua 38 năm thực hiện, công tác TCMR đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi cơ bản về cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Cụ thể, thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000; loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005; khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi, bệnh viêm gan B; khống chế bệnh bạch hầu, bệnh ho gà...
Tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi, thời gian qua, Việt Nam nỗ lực triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ em và đưa loại vắc xin này vào tiêm chủng thường xuyên, nâng số vắc xin trong Chương trình TCMR lên 12 loại, góp phần vào việc đạt mục tiêu thứ 4 của thiên niên kỷ.
ĐỪNG THIẾU HIỂU BIẾT GÂY HẠI CHO TRẺ
Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang khẳng định: “Nếu việc tiêm vắc xin không được duy trì, trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn”.
Thực tế, ngay trong những tuần đầu của năm 2019, bệnh sởi diễn biến phức tạp, gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước đã công bố loại trừ bệnh sởi như Ukraina, Đức, Nga, Mỹ… Số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu tăng 300%; trong đó, châu Phi tăng cao nhất tới 700%, so với cùng kỳ năm 2018. Sự gia tăng số trường hợp mắc sởi đã thành xu hướng rõ ràng trên phạm vi toàn cầu với các ổ dịch sởi tại nhiều quốc gia.
Tổ chức Y tế thế giới đã chỉ ra việc e ngại sử dụng vắc xin hay “anti vắc xin” phòng sởi là mối đe dọa lớn toàn cầu. Ở nước ta, hầu hết các tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp mắc sởi rải rác, chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi nhưng cũng có nhiều trường hợp mắc sởi ở người lớn.
Đồng thời, nước ta cũng ghi nhận sự gia tăng của bệnh ho gà, bạch hầu tại các tỉnh, thành phố vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin thấp và những đô thị có dân số di biến động lớn nên có nguy cơ cao bùng phát dịch.
Tại Tiền Giang, trong 4 tháng đầu năm 2019 đã có 138 trường hợp sốt phát ban và 16 trường hợp sởi dương tính tại 8/11 huyện, thị, thành của tỉnh và xuất hiện các trường hợp ho gà ở trẻ từ 2 - 4 tháng tuổi. Nguyên nhân trẻ mắc bệnh là do các bà mẹ không đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, bởi các phản ứng và những sự cố liên quan đến tiêm chủng làm cho mọi người lo lắng, từ chối tiếp tục cho con trẻ tiêm chủng. Tâm lý chờ đợi tiêm vắc xin dịch vụ trong khi không đủ nguồn cung cấp dẫn đến trẻ dễ bị mắc bệnh truyền nhiễm hơn và thậm chí là đe dọa tính mạng.
MAI HÀ