Cảnh giác với bệnh Chikungunya
Chikungunya là bệnh truyền nhiễm lây truyền qua muỗi Aedes, hiện đang gia tăng tại một số nước trong khu vực. Người phát ngôn của Bộ Y tế Campuchia Or Vandine ngày 6-8 xác nhận, dịch sốt Chikungunya đã lan rộng tại 15 tỉnh của nước này với khoảng 1.700 người mắc bệnh. Hiện không có thuốc chủng ngừa hoặc thuốc để điều trị nhiễm vi rút Chikungunya. Phòng tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng, diệt muỗi là các biện pháp phòng ngừa chủ động, hiệu quả, cần duy trì thường xuyên và liên tục.
Chikungunya là một bệnh do vi-rút truyền sang người do vết đốt của muỗi vằn Aedes bị nhiễm bệnh. Các triệu chứng phổ biến nhất là sốt và đau khớp. Các triệu chứng khác như nhức đầu, đau cơ, sưng khớp hoặc phát ban có thể xảy ra.
Các đợt bùng phát đã xảy ra ở các nước châu Phi, châu Á, châu Âu, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Cuối năm 2013, vi rút Chikungunya lần đầu tiên được tìm thấy ở châu Mỹ trên các hòn đảo ở Caribe. Có nguy cơ vi rút sẽ được du nhập vào các khu vực mới bởi những du khách bị nhiễm bệnh.
Hiện không có thuốc chủng ngừa hoặc thuốc để điều trị nhiễm vi rút Chikungunya. Du khách có thể tự bảo vệ mình bằng cách phòng tránh muỗi đốt. Khi đi du lịch đến các quốc gia có vi rút Chikungunya, hãy sử dụng thuốc chống côn trùng, mặc áo dài tay, quần dài và ở những nơi có máy điều hòa nhiệt độ hoặc sử dụng cửa sổ và cửa ra vào.
SỰ LÂY TRUYỀN
Vi rút Chikungunya được truyền sang người qua vết muỗi đốt, thường lây lan sang người bởi muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus. Đây cũng chính là muỗi truyền vi rút sốt xuất huyết. Chúng cắn vào ban ngày và ban đêm. Muỗi bị nhiễm bệnh khi cắn một người đã bị nhiễm vi rút. Sau đó, muỗi bị nhiễm bệnh có thể truyền vi rút sang người khác qua vết đốt.
Muỗi Aedes truyền vi rút Chikungunya cho người (nguồn: CDC Hoa Kỳ). |
Vi rút Chikungunya hiếm khi lây truyền từ mẹ sang trẻ sơ sinh vào khoảng thời gian mới sinh. Cho đến nay, không có trẻ sơ sinh nào bị nhiễm vi rút Chikungunya qua việc bú mẹ. Vì những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, các bà mẹ được khuyến khích cho con bú ngay cả ở những vùng có vi rút chikungunya đang lưu hành. Về lý thuyết, vi rút có thể lây lan qua truyền máu nhưng không có báo cáo nào về điều này xảy ra.
TRIỆU CHỨNG
Thời gian ủ bệnh thường là 3 - 7 ngày, dao động từ 1 - 12 ngày. Hầu hết những người bị nhiễm vi rút Chikungunya sẽ có triệu chứng thường từ 3 - 7 ngày sau khi bị muỗi nhiễm bệnh cắn. Triệu chứng đặc trưng là sốt trên 39°C, đau đa khớp hai bên và đối xứng, có thể nặng và suy nhược. Các triệu chứng khác có thể bao gồm nhức đầu, đau cơ, viêm khớp, viêm kết mạc, buồn nôn, nôn hoặc phát ban dát sẩn. Các xét nghiệm có thể giảm bạch huyết, giảm tiểu cầu, tăng creatinin và tăng transaminase gan.
Các triệu chứng cấp tính thường hết trong vòng 7 - 10 ngày. Các biến chứng hiếm gặp bao gồm viêm màng bồ đào, viêm võng mạc, viêm cơ tim, viêm gan, viêm thận, tổn thương da bóng nước, xuất huyết, viêm màng não, viêm tủy, hội chứng Guillain-Barré và liệt dây thần kinh sọ.
Những người có nguy cơ mắc bệnh nặng bao gồm trẻ sơ sinh bị phơi nhiễm trong thời kỳ sinh nở, người lớn tuổi và những người có bệnh lý tiềm ẩn như tăng huyết áp, tiểu đường hoặc bệnh tim mạch.
Một số bệnh nhân có thể bị tái phát các triệu chứng như đau đa khớp, viêm đa khớp, viêm bao gân trong những tháng sau khi bị bệnh cấp tính. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bệnh nhân bị đau khớp dai dẳng trong nhiều tháng đến nhiều năm. Tử vong rất hiếm và xảy ra chủ yếu ở người lớn tuổi.
Bệnh Chikungunya thường không gây tử vong, nhưng các triệu chứng có thể nghiêm trọng và gây tàn phế. Hầu hết bệnh nhân cảm thấy tốt hơn trong vòng một tuần. Ở một số người, cơn đau khớp có thể kéo dài trong nhiều tháng.
Những người có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn bao gồm trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh trong khoảng thời gian mới sinh, người lớn tuổi (≥65 tuổi) và những người mắc các bệnh lý như huyết áp cao, tiểu đường hoặc bệnh tim. Một khi một người đã bị nhiễm bệnh, người đó có khả năng được bảo vệ khỏi các bệnh nhiễm trùng trong tương lai.
CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ
Các triệu chứng của chikungunya tương tự như các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết và Zika, các bệnh lây truyền cùng một loại muỗi truyền bệnh chikungunya. Nếu bạn đã đi du lịch gần đây, hãy cung cấp cho bác sĩ của bạn biết thời gian và địa điểm bạn đã đi du lịch. Xét nghiệm máu để tìm chikungunya hoặc các loại vi rút tương tự khác như sốt xuất huyết và Zika.
Không có thuốc chủng ngừa hoặc thuốc để điều trị vi rút chikungunya. Chủ yếu là điều trị các triệu chứng: Nghỉ ngơi, uống nước để ngăn ngừa mất nước, dùng thuốc để hạ sốt và giảm đau như acetaminophen, paracetamol.
Không dùng aspirin và các thuốc chống viêm không steroid khác (NSAIDS cho đến khi loại trừ được bệnh sốt xuất huyết để giảm nguy cơ chảy máu).
Nếu bạn đang dùng thuốc cho một tình trạng bệnh khác, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn trước khi dùng thêm thuốc.
PHÒNG NGỪA
Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa nhiễm vi rút chikungunya là ngăn ngừa muỗi đốt. Nếu bạn bị chikungunya, hãy ngăn ngừa muỗi đốt trong tuần đầu tiên của bệnh.
Sử dụng thuốc chống côn trùng, mặc áo sơ mi và quần dài tay, xử lý quần áo và đồ dùng, đồng thời thực hiện các bước để kiểm soát muỗi trong nhà và ngoài trời. Bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bị muỗi đốt.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, ngành Y tế Tiền Giang đã triển khai giám sát trọng điểm các bệnh lây truyền qua muỗi là sốt xuất huyết, Zika và Chikungunya tại huyện Chợ Gạo từ tháng 7-2016 đến nay nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ, lấy mẫu xét nghiệm, giám sát muỗi Aedes và gởi mẫu về Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh tìm tác nhân gây bệnh.
Diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng ngừa bệnh Chikungunya, phòng, chống sốt xuất huyết và Zika. |
Kết quả trong năm 2018, qua hệ thống giám sát trọng điểm đã phát hiện một trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika thuộc ấp Bình Khương 1, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, không phát hiện trường hợp nhiễm Chikungunya đến thời điểm hiện tại. Kết quả giám sát trên đàn muỗi Aedes cũng không ghi nhận nhiễm vi rút Zika và Chikungunya.
Ngành Y tế Tiền Giang đang tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát, khám sàng lọc, thu dung, điều tra các trường hợp nghi ngờ và lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; tăng cường các hoạt động truyền thông, cảnh báo nguy cơ bệnh xâm nhập do vi rút Chikungunya, phòng,chống sốt xuất và Zika bằng cách tránh bị muỗi đốt, thực hiện và duy trì các hoạt động diệt lăng quăng hằng tuần tại hộ gia đình.
BSCKII LÊ ĐĂNG NGẠN
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang)