Ngộ độc pate Minh Chay - Vì sao thuốc giải độc cực đắt?
Cập nhật: 21:41, 31/08/2020 (GMT+7)
Thuốc điều trị ngộ độc Clostridium Botulinum được xem là thuốc hiếm do bệnh không xuất hiện nhiều, số lượng ca bệnh thất thường nên các doanh nghiệp không sản xuất một cách phổ biến. Ngay sau khi xuất hiện 2 ca bệnh nặng, Bệnh viện Bạch Mai phải liên hệ với các cơ quan y tế để có thuốc giải độc.
Ngày 31-8, liên quan tới vụ việc nhiều người bị ngộ độc nguy kịch do sử dụng pate Minh Chay có độc tố Clostridium botulinum, của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới (ở tổ 2, thị trấn Đông Anh, Hà Nội), bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 2 ca bệnh nặng do ăn pate Minh Chay đang điều trị tại bệnh viện là một cặp vợ chồng (chồng 70 tuổi, vợ 68 tuổi).
Qua điều tra, sản phẩm pate Minh Chay do vợ chồng bệnh nhân mua hàng online. Từ đầu tháng 7, vợ chồng ông đã ăn hết một lọ pate Minh Chay nhưng chưa có biểu hiện lạ. Đến gần hết hộp thứ hai, họ bắt đầu đau họng, sụp mi, khó nuốt, yếu tay chân và khó thở.
Ngày 18-8, hai ông bà nhập viện với biểu hiện liệt lan tỏa: liệt từ vùng đầu mặt cổ, liệt lan xuống tới tay chân, liệt cả 2 bên. Đây là những biểu hiện liệt phổ biến, đặc trưng của ngộ độc do vi khuẩn C. Botulinum gây ra.
Hiện nay, người chồng trong tình trạng nặng, dù đã qua cơn nguy kịch. Bệnh nhân liệt hoàn toàn, không thể thở được và phải phụ thuộc vào máy thở. Người vợ cũng bị liệt cơ, không tự ngồi dậy được, không tự ăn và luôn có nguy cơ bị sặc, viêm phổi.
Liên quan đến việc điều trị, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, thuốc điều trị ngộ độc Botulinum được xem là thuốc hiếm do bệnh không xuất hiện nhiều, số lượng ca bệnh thất thường nên các doanh nghiệp không sản xuất một cách phổ biến. Tại Việt Nam, hiện không có loại thuốc điều trị này. Do đó, ngay sau khi xuất hiện 2 ca bệnh nặng, Bệnh viện Bạch Mai phải liên hệ với các cơ quan y tế để có thuốc giải độc.
Cụ thể, Bệnh viện Bạch Mai đã làm việc với Bộ Y tế, các trung tâm chống độc tại Thái Lan, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Thái Lan và Việt Nam.
“Đầu tiên, chúng tôi rất băn khoăn vì không biết sẽ lấy thuốc theo nguồn nào. Nếu lấy được thuốc về thì ai sẽ là người chi trả. Tuy nhiên, với sự phối hợp chặt chẽ, gấp rút giữa các bên, sau hơn 10 ngày, thuốc đã về tới Việt Nam” - bác sĩ Nguyên chia sẻ và cho biết thêm, ngày 29-8, hai lọ thuốc giải độc từ Thái Lan được gửi về Việt Nam qua đường hàng không và được đưa sử dụng luôn trong ngày cho 2 bệnh nhân. Giá bán của mỗi lọ thuốc này tới 8.000 USD.
Cùng ngày, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có công văn khẩn yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM báo cáo về các ca ngộ độc Clostridium botulinum. Đồng thời tổng kết một số kinh nghiệm trong công tác phát hiện, chẩn đoán và điều trị đối với các ca bệnh ngộ độc để Cục Quản lý Khám chữa bệnh có văn bản hướng dẫn chung cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để sớm phát hiện và xử lý kịp thời khi tiếp nhận các ca bệnh ngộ độc.
(Theo sggp.org.vn)