Tổng thống Nga khẳng định vắcxin Sputnik V an toàn và hiệu quả
Theo ông, vắcxin Sputnik V hình thành miễn dịch lâu dài và an toàn và các con gái của ông cũng đã được tiêm phòng, đã phát triển kháng thể, hiện sức khỏe đều rất tốt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định vắcxin Sputnik V phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do nước này sản xuất và đã được cấp phép lưu hành đầu tháng này, là an toàn và hiệu quả.
Vắcxin Sputnik V tại Moskva, Nga, ngày 6-8-2020. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossia 24 TV ngày 27-8, Tổng thống Putin nêu rõ vắcxin phòng COVID-19 đầu tiên của thế giới này đã được cấp phép theo đúng các quy định nghiêm ngặt của Nga cũng như phù hợp với thông lệ và các quy định quốc tế.
Theo ông, vắcxin Sputnik V hình thành miễn dịch lâu dài và an toàn và các con gái của ông cũng đã được tiêm phòng, đã phát triển kháng thể, hiện sức khỏe đều rất tốt.
Vắcxin đầu tiên trên thế giới ngừa COVID-19, do Trung tâm Gamaley phát triển, được đặt tên là Sputnik V.
Vắcxin này được đăng ký lưu hành ngày 11-8 sau các nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng.
Vắcxin ngừa COVID-19 sử dụng hai chủng adenovirus làm vật trung gian truyền bệnh, chúng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người, song không thể nhân lên trong đó.
Trước đó, Trung tâm Gamaleya đã sử dụng công nghệ tương tự để bào chế ra các loại vắcxin phòng bệnh Ebola và Hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS).
Các cơ quan chức năng Nga cho biết sẽ tiếp tục thử nghiệm thêm đối với 40.000 tình nguyện viên, sau khi vắcxin này được cấp phép lưu hành.
Trong khi đó, cuộc đua phát triển vắcxin phòng COVID-19 trên thế giới vẫn đang được tích cực triển khai.
Theo kế hoạch, công ty dược phẩm Janssen của Johnson & Johnson sẽ bắt đầu giai đoạn hai thử nghiệm vắcxin, do công ty này bào chế, tại Tây Ban Nha, Hà Lan và Đức vào tuần tới.
Giai đoạn hai của cuộc thử nghiệm sẽ kéo dài hai tháng, với sự tham gia của 550 người tham gia tại 3 nước này.
Nghiên cứu sẽ tập trung vào sức khỏe của những người trong độ tuổi từ 18-55 cũng như những người trên 65 tuổi.
Theo Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa, đây là lần đầu tiên nước này cho phép việc thử nghiệm vắcxin phòng COVID-19 trên người.
Theo Johnson & Johnson, nếu các cuộc thử nghiệm này thành công, hãng này sẽ tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 - giai đoạn cuối cùng, với số lượng tình nguyện viên tăng lên thành 60.000 người.
Trong khi đó, một nguồn thạo tin cho biết tháng Bảy vừa qua, Trung Quốc đã cấp phép lưu hành vắcxin CoronaVac, do Công ty Công nghệ sinh học Sinovac sản xuất, trong trường hợp khẩn cấp.
Đây là một phần trong chương trình của nước này nhằm tiêm vắcxin cho những người có nguy cơ cao như các nhân viên y tế.
Trước đó, trong một phát biểu đăng trên nền tảng WeChat ngày 23-8, Tập đoàn Công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc (CNBG) - một đơn vị thuộc sở hữu của Tập đoàn Dược quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) cũng cho biết đã được cấp phép lưu hành trong trường hợp khẩn cấp.
Tuy nhiên, CNBG - vốn đang có hai vắcxin tiềm năng đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ ba, không cho biết loại vắcxin nào đã được cấp phép lưu hành khẩn cấp.
Hiện đã có hơn 150 vắcxin phòng, chống COVID-19 được phát triển và thử nghiệm trên toàn thế giới, trong đó có 30 vắcxin được thử nghiệm trên người.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng cho biết nước này đặt mục tiêu tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho toàn bộ người dân trong 6 tháng đầu năm 2021.
Phát biểu tại một cuộc họp chính phủ bàn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Abe khẳng định trong bối cảnh số người trên 80 tuổi ở Nhật Bản chiếm 50% tổng số người tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2, chính phủ sẽ lưu tâm tới những người cao tuổi, cũng như những người có bệnh lý nền.
Kinh phí mua vắcxin sẽ được lấy từ các quỹ dự trữ trong ngân sách của tài khóa 2020 - 2021.
(Theo TTXVN)