.

Việt Nam bước sang ngày thứ 4 không phát hiện thêm ca Covid-19 trong nước

Cập nhật: 15:03, 02/09/2020 (GMT+7)
Sáng 2-9 là buổi sáng thứ 4 liên tiếp, Việt Nam tiếp tục khống chế được tình hình dịch Covid-19 khi không ghi nhận thêm ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng. Đà Nẵng bước sang ngày thứ 4 bình yên và tại ổ dịch Hải Dương, hơn một tuần qua được kiểm soát rất tốt. 
 
Tính đến 6 giờ ngày 2-9, Việt Nam có tổng cộng 690 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 550 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 66.946 người. 
 
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 735 bệnh nhân Covid-19/1.044 ca mắc.
Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 27 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 53 ca và số ca âm tính lần 3 là 37 ca.
 
Chỉ hơn một tháng, Việt Nam đã khống chế rất tốt giai đoạn 3 của dịch Covid-19. Sau hơn một tháng hỗ trợ thành phố Đà Nẵng phòng, chống dịch Covid-19 và điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19, sáng 31-8, các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh chia tay Đà Nẵng, trở về lại TP Hồ Chí Minh.
 
Bác sĩ TrầnThanh Linh, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, tới thời điểm này, có thể khẳng định là chúng ta đã đẩy lùi dịch bệnh trong đợt bùng phát này. Hơn một tháng qua, với nỗ lực hết mình vì người bệnh, đối mặt với với nguy cơ lây nhiễm cao khi phải tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân, các bác sĩ đã mang lại sự hồi sinh cho nhiều ca bệnh có bệnh nền nặng.
 
Hiện nay, Việt Nam đang có tám trường hợp có tiên lượng nặng và nguy kịch, chiếm (3,1%) trong tổng số bệnh nhân đang điều trị, trong đó số tiên lượng rất nặng là 5/8 trường hợp (2,0%), và tiên lượng tử vong bất cứ lúc nào tăng lên ba trường hợp (1,2%).
 
Số trường hợp mắc Covid-19 tiên lượng nặng và nguy kịch này chủ yếu thuộc nhóm lây nhiễm cộng đồng, có nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng.
 
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện BN793 (nam, 58 tuổi, ở Bắc Giang) vẫn đang trong tình trạng rất nặng dù chức năng phổi đã cải thiện một phần và đã giảm sốt.
 
BS. Phạm Văn Phúc - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trường hợp này khó tiên lượng trước. Chỉ khi bệnh nhân cai được ECMO, rủi ro của bệnh nhân mới có thể giảm xuống.
 
Về tình trạng nhiễm trùng phổi rất nặng của BN793, BS. Phúc thông tin, hiện đã xác định được căn nguyên gây nên tình trạng này là một loại vi khuẩn đa kháng thuốc. Đây là loại vi khuẩn rất nguy hiểm bởi khi đã kháng thuốc thì khiến việc lựa chọn kháng sinh điều trị trở nên hạn hẹp hơn. Đa số các ca bệnh nặng ở nước ta, bao gồm cả các ca liên quan Đà Nẵng hiện nay đều gặp tình trạng này.
 
Trước đó, các bác sĩ mất thời gian dài sử dụng phương pháp nuôi cấy vi khuẩn, nấm để tìm căn nguyên, tuy nhiên không thể xác định được căn nguyên cụ thể gây tình trạng nhiễm trùng ở người bệnh.
 
Tại thông báo mới đây của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp phải tiếp tục đề cao cảnh giác, không chủ quan, coi thường dịch bệnh, xác định chống dịch trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh.
 
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn, chủ động hơn, quyết liệt hơn, linh hoạt quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, không trông chờ, phụ thuộc quyết định của các cơ quan Trung ương.
 
Tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò tham mưu của ngành y tế các cấp trong xác định, quyết định biện pháp phòng, chống dịch bảo đảm phù hợp với mức nguy cơ dịch bệnh.
 
Không áp dụng biện pháp dừng, đình chỉ hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khi không cần thiết; hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của các biện pháp phòng, chống dịch đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
 
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo khẩn trương cập nhật, hoàn thiện và ban hành ngay các hướng dẫn an toàn trong bệnh viện, trong trường học, nơi làm việc, phương tiện giao thông công cộng… với nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu để các cấp, các ngành, các địa phương và mọi người dân có thể dễ dàng thực hiện.
 
Tiếp tục thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch trong các cơ sở y tế; tổ chức phân luồng, phân tuyến điều trị hợp lý ngay từ khâu tiếp đón bệnh nhân, phòng ngừa lây nhiễm, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện; xét nghiệm phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm trong số các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng.
 
(Theo nhandan.com.vn)
.
.
.