.

Giáo sư Tạ Văn Trầm: Và cuộc chiến bệnh sốt xuất huyết trẻ em

Cập nhật: 21:54, 26/02/2021 (GMT+7)

Sự cống hiến của Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Tạ Văn Trầm hay gọi là Giáo sư Tạ Văn Trầm cho ngành Y tế Tiền Giang thì ai cũng biết, với rất nhiều bài báo viết về giáo sư, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố trong và ngoài nước. Đặc biệt trong lĩnh vực nhi khoa, Giáo sư Tạ Văn Trầm đã có cuộc chiến thầm lặng với bệnh sốt xuất huyết trẻ em trong suốt những năm tháng gắn bó với ngành Y.

TỪ MỘT NỖI ĐAU

Bệnh trẻ em ở Tiền Giang giống như các tỉnh sông nước khác ở miền Tây. Vào thời điểm năm 1989, bệnh sốt xuất huyết (SXH) hoành hành ở Tiền Giang. Theo các tài liệu y học, Tiền Giang là “cái nôi” của bệnh SXH, bởi các nhà khoa học đã ghi nhận ca bệnh SXH đầu tiên của Việt Nam xảy ra tại xã An Hữu, huyện Cái Bè vào năm 1958.

Từ đó về sau bệnh SXH như một “bóng ma” phủ khắp khu vực Nam bộ, được bà con gọi bằng một cái tên khá u ám là “ban đen”, nếu chẳng may bị ban đen là đồng nghĩa với cái chết. Mỗi ngày bệnh nhân SXH trẻ em tràn ngập khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang và rất đau lòng là đêm nào cũng có ca SXH tử vong.

Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Tạ Văn Trầm là 1 trong 8 cá nhân được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận và bổ nhiệm chức danh Giáo sư ngành Y năm 2020 vào ngày 5-2-2021, trở thành Giáo sư Y khoa đầu tiên của tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TUẤN LÂM
Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Tạ Văn Trầm là 1 trong 8 cá nhân được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận và bổ nhiệm chức danh Giáo sư ngành Y năm 2020 vào ngày 5-2-2021, trở thành Giáo sư Y khoa đầu tiên của tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TUẤN LÂM

Cốt lõi nguyên nhân tử vong của bệnh SXH là sốc trụy tim mạch và chảy máu, đây là hai “cánh cửa tử” của bệnh nhân SXH mà người thầy thuốc phải “lèo lái” làm sao để giúp các bệnh nhân vượt qua khỏi hai “cánh cửa tử” này một cách bình an. Tuy nhiên, khi bệnh nhân lâm vào tình huống sốc kéo dài, thì vào thời điểm cách nay trên 30 năm, các thầy thuốc dù rất cố gắng nhưng hầu hết đều nhìn bệnh nhân SXH, nhất là trẻ em tử vong trong sự bất lực. Đó là nỗi đau của người thầy thuốc, nhưng đau đớn hơn là các bậc làm cha mẹ phải chứng kiến con mình tử vong trong thời gian không quá 1 tuần từ khi khởi bệnh.

Từ thực tế này, Giáo sư Tạ Văn Trầm khi ấy tuy còn trẻ (24 tuổi) nhưng đã có ý thức lựa chọn dấn thân vào con đường chống lại SXH, một căn bệnh phổ biến và nguy hiểm của trẻ em nơi quê hương mình. Ngày ấy, người ta thấy Giáo sư Tạ Văn Trầm lúc nào cũng có mặt ở Phòng Cấp cứu của khoa Nhi, giáo sư tỉ mỉ khám bệnh, tự tay đo huyết áp, bắt mạch, điều chỉnh tốc độ dịch truyền... cho các trẻ là bệnh nhân SXH. Đặc biệt, trong những buổi tối trực, giáo sư luôn túc trực, theo dõi sát các cháu bệnh SXH nặng.

CA HỘI CHẨN LÚC NỬA ĐÊM

Tôi vẫn còn nhớ, vào cuối năm 1993, trong một đêm trực của tôi có một ca SXH nặng là bé gái 12 tuổi. Diễn tiến bệnh của bé rất phức tạp, biểu hiện sốc kéo dài, tràn dịch màng bụng, màng phổi nhiều và tôi làm mọi cách để đưa bé ra khỏi sốc, nhưng sau đó bé xuất hiện dấu hiệu thở ì ạch, bứt rứt. Do đó, tôi quyết định hội chẩn với Giáo sư Trầm. Mặc dù giữa khuya đang nghỉ ở nhà nhưng Giáo sư Trầm vẫn tức tốc chạy vô bệnh viện giúp tôi.

Sau khi xem xét kỹ lưỡng các xét nghiệm, rồi khám cẩn thận cho bé, Giáo sư Trầm nói với tôi là truyền máu cho bé và tôi đã thực hiện theo y lệnh của giáo sư. Khi chai máu vừa cạn, tôi cảm nhận mạch của bé nẩy mạnh hơn dưới hai ngón tay của tôi, huyết áp giãn ra và tăng lên từ từ. Lúc đó, tôi mừng thầm vì bé ra khỏi sốc, điều trị sau một tuần thì cháu bé khỏe và xuất viện.

Từ đó, Giáo sư Trầm luôn là chỗ dựa cho chúng tôi khi gặp những tình huống bệnh nặng, kết hợp với sự tham vấn của các đồng nghiệp ở bệnh viện tuyến trên, nên rất nhiều bệnh nhân SXH nặng đã được điều trị thành công. Nếu như trước đây tỷ lệ tử vong của bệnh SXH ở Tiền Giang từ 15% đến 20%, thì trong những năm gần đây, tỷ lệ này chỉ còn dưới 0,1%, có nghĩa trên 1.000 ca mắc SXH thì mới có 1 ca tử vong, đáng mừng hơn là có một vài năm không có ca SXH nào tử vong.

Sau hơn 10 lăn lộn với công tác điều trị, năm 2004 với Đề tài “Các yếu tố liên quan đến sốc SXH Dengue kéo dài ở trẻ em”, Giáo sư Tạ Văn Trầm đã mở ra một trong những “cánh cửa” khả thi để có thể cứu sống các trường hợp sốc SXH kéo dài; đồng thời, xác định được các biện pháp cụ thể để ngăn ngừa và điều trị thích hợp bệnh SXH. Đề tài này được Hội đồng Khoa học ngành Y công nhận học vị Tiến sĩ Y khoa về bệnh SXH của Giáo sư Trầm.

GÓP PHẦN VÀO CUỘC CHIẾN CHỐNG DỊCH BỆNH

Hiện tại, với vai trò là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, Giáo sư Tạ Văn Trầm đã lãnh đạo đơn vị nâng chất chuyên môn cho tất cả các khoa lâm sàng, nhất là chuyên khoa Nhi. Bệnh viện đã thành lập nhiều khoa mới, trong đó có khoa Hồi sức tích cực và chống độc nhi, một chuyên khoa sâu trong lĩnh vực cấp cứu các bệnh nặng trẻ em; chú trọng đào tạo nhân lực chuyên môn, đạt chỉ tiêu tất cả nhân viên trong khoa đều có khả năng thao tác thành thục các kỹ thuật hồi sức cấp cứu như đặt nội khí quản thở máy, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, đặt catheter động mạch có hướng dẫn của máy soi mạch máu... Nhất là đã có máy siêu âm tĩnh mạch chủ dưới, tiến hành siêu âm ngay tại giường bệnh để theo dõi lượng dịch cơ thể đủ hay thiếu, từ đó có biện pháp xử trí chính xác hơn so với trước đây.

Còn đối với kỹ thuật lọc máu liên tục, một kỹ thuật hiện đại đã được Giáo sư Trầm lãnh đạo bệnh viện chuẩn bị đầy đủ nhân lực và trang thiết bị y tế, triển khai cấp cứu nhiều bệnh nhân nặng ở khoa Hồi sức tích cực và chống độc. Sắp tới, với sự hỗ trợ của các thầy cô và bác sĩ của các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện sẽ triển khai tại khoa Hồi sức tích cực và chống độc nhi, sẵn sàng cấp cứu các bệnh nhân nguy kịch như sốc nhiễm trùng, SXH nặng, tay chân miệng nặng…

Dù không công tác ở các bệnh viện lớn hay các trung tâm khoa học kỹ thuật tiên tiến mà chỉ lặng lẽ làm việc ở một tỉnh lẻ nhưng với tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học và nghiêm túc trong công việc Giáo sư Tạ Văn Trầm đã có nhiều đóng góp vào thành quả chung của công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, được cộng đồng khoa học ngành Y tín nhiệm, là nguồn cảm hứng và động viên cho các thầy thuốc ở tuyến cơ sở có tâm huyết với nghề phấn đấu vươn lên.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

.
.
.