.

Tiền Giang sẽ được phân bổ thêm hơn 2,2 triệu liều vắc xin phòng Covid-19

Cập nhật: 11:15, 04/08/2021 (GMT+7)

(ABO) Tiền Giang đang là một trong những tỉnh có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp hiện nay. Tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp khoanh vùng, dập dịch nhằm khống chế mầm bệnh bùng phát trong cộng đồng. Cùng với các biện pháp trên, tỉnh còn tập trung thực hiện nhanh công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 để tạo miễn dịch cộng đồng, góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trao đổi xung quanh công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 của tỉnh.

* PHÓNG VIÊN: Để chủ động tạo miễn dịch cộng đồng bằng vắc xin, Tiền Giang đã triển khai thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 như thế nào, thưa bác sĩ?

* BSCK2 LÊ ĐĂNG NGẠN: Việc tổ chức tiêm vắc xin của Tiền Giang thời gian qua thực hiện theo Kế hoạch số 101 ngày 16-4-2021 của UBND tỉnh Tiền Giang về tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2021 - 2022 và Quyết định số 5946 ngày 24-7-2021 của Bộ Y tế về việc phân bổ vắc xin phòng Covid-19.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19
Tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Đối tượng tiêm chủng thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ gồm lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng, chống dịch (Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…); Quân đội; Công an; nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước…; giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng, chống dịch.

Tính đến ngày 2-8, Tiền Giang đã tiêm được 66.311 người cho các nhóm đối tượng tiếp theo và đang tăng cường tiêm chủng tại tất cả các điểm tiêm nhằm tăng miễn dịch cộng đồng bằng vắc xin.

* PHÓNG VIÊN: Xin bác sĩ nói rõ hơn công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 mà tỉnh đã thực hiện trong thời gian qua về số lượng tiếp nhận, đối tượng tiêm và phản ứng sau tiêm?

* BSCK2 LÊ ĐĂNG NGẠN: Hiện nay, trên toàn tỉnh có 187 cơ sở tiêm chủng (172 cơ sở tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, hơn 15 cơ sở tiêm chủng nhà nước và tư nhân thực hiện tiêm chủng dịch vụ)… Số nhân lực tại các tuyến tham gia công tác tiêm chủng mở rộng khoảng 1.000 người và có khoảng 100 người của hệ thống tiêm chủng dịch vụ.

Đến thời điểm hiện tại, Tiền Giang đã được Bộ Y tế phân bổ 15 đợt vắc xin với tổng cộng 234.970 liều (bao gồm Astrazeneca, Sinopharm, Pfizer và Moderna). Trong số này, tỉnh đã tiếp nhận bảo quản và phân phối 114.090 liều, đã tiêm 66.311 liều, tỷ lệ 58,1%. Phản ứng sau tiêm ghi nhận chủ yếu là thông thường như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau cơ và tự khỏi từ 1 - 2 ngày sau khi tiêm mũi 1.

* PHÓNG VIÊN: Thưa bác sĩ, theo thông báo của Bộ Y tế, Tiền Giang sẽ được phân bổ số lượng lớn vắc xin trong quý 4-2021. Lượng vắc xin này sẽ được phân bổ và tổ chức tiêm chủng như thế nào?

* BSCK2 LÊ ĐĂNG NGẠN: Hiện nay, Tiền Giang đã tập trung cho công tác tiêm chủng, tổ chức tiêm tại tất cả các điểm tiêm chủng để hoàn thành số lượng vắc xin đã được phân bổ trong tháng 8.

Ngoài số vắc xin đã phân bổ, Bộ Y tế thông báo sẽ phân bổ thêm 2.219.628 liều cho Tiền Giang trong tháng 8. Với lượng vắc xin này, Tiền Giang đã chủ động lập kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin trong toàn tỉnh và triển khai ngay sau khi nhận được vắc xin. Để chủ động lực lượng nhân viên tiêm chủng, ngoài nhân lực hiện có, Sở Y tế đang ráo riết huy động và tiêm vắc xin cho lực lượng y tế tư nhân để lực lượng này tham gia tiêm chủng cho nhân dân.

Sở Y tế huy động lực lượng tiêm chủng để triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng cho nhân dân ngay khi nguồn vắc xin về đến tỉnh
Sở Y tế huy động lực lượng tiêm chủng để triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng cho nhân dân ngay khi nguồn vắc xin về đến tỉnh.

Tiền Giang có trên 1,7 triệu dân, trong đó có hơn 1,4 triệu dân từ 18 tuổi trở lên. Các vắc xin nhập về hiện nay phần lớn chỉ phù hợp cho đối tượng người từ 18 tuổi trở lên. Do đó, trừ số đối tượng đã tiêm, Tiền Giang còn lại khoảng 1.347.600 người dân sẽ được tiêm chủng ngay sau khi vắc xin được tiếp nhận.

Ngày 2-8, Bộ Y tế ban hành công văn hỏa tốc số 6202 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng tốc độ và diện bao phủ tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Theo công văn này, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện: Tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền theo Nghị quyết 21 của Chính phủ; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3355 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 và đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng.

Bộ Y tế đề nghị: Các tỉnh, thành phải huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân. Tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị. Bố trí nhân lực tiêm chủng và các bộ phận hỗ trợ làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng.

Hướng dẫn người dân điền phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, Phiếu sàng lọc trên nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử hoặc trên bản giấy, thực hiện khai báo y tế, thông báo thời gian và địa điểm tiêm để người dân tham gia đầy đủ, đúng giờ và không tập trung đông người tại một thời điểm, sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm chủng phù hợp. Những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng thì tiếp tục theo dõi và sắp xếp tiêm chủng trong thời gian sớm nhất khi có đủ điều kiện. Những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng có thể được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại các bệnh viện, cơ sở điều trị.

Tại các khu phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân phải di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng. 

* PHÓNG VIÊN: Xin cảm ơn bác sĩ!

THỦY HÀ (thực hiện)

 

.
.
.