.

Tiền Giang: Vận dụng tối đa thời gian "vàng" thực hiện giãn cách để làm sạch các vùng dịch

Cập nhật: 08:22, 01/08/2021 (GMT+7)

(ABO) Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 203 về ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trên tinh thần đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Công văn 4154 yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể tỉnh thực hiện một số nội dung sau:

Trong thực hiện Chỉ thị 16 phải quán triệt phương châm: Rõ (phân công, quy định rõ ràng trách nhiệm của cả cơ quan Nhà nước và người dân); nghiêm (thực hiện nghiêm, triệt để, chặt chẽ yêu cầu giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình, ở nguyên tại chỗ, không di chuyển, đặc biệt là trong các khu vực phong tỏa, cách ly, không để “chặt ngoài, lỏng trong”); chắc (bảo đảm duy trì kết quả chắc chắn, bền vững; làm đến đâu chắc đến đó) và hiệu quả (phát hiện nhanh nguồn bệnh, truy vết hiệu quả, phong tỏa, cách ly chặt chẽ, nghiêm túc, hạn chế tối đa số ca nhiễm mới, nếu có ca nhiễm thì cố gắng không để chuyển nặng, hạn chế thấp nhất ca tử vong).

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố: Bảo đảm kịp thời, đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ phòng, chống dịch, trong đó đặc biệt chú trọng phải bảo đảm số lượng máy thở, oxy. Tổ chức tiêm vắc xin đúng đối tượng, kịp thời, an toàn, hiệu quả, không để xảy ra việc có vắc xin mà chưa tiêm được và tiêm không đúng đối tượng. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sở Công thương, Sở LĐ-TB&XH, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu đến tay người dân, đặc biệt là ở khu cách ly, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... do dịch bệnh, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm thiết yếu; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.

UBND các huyện, thị xã, thành phố: Huy động các lực lượng chức năng tại cơ sở như Công an, Quân đội, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, Tổ Covid cộng đồng... tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở, đôn đốc, vận động, xử phạt những trường hợp không chấp hành việc thực hiện giãn cách xã hội tại các khu dân cư, tổ dân phố, xã, phường... bảo đảm thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách, không để xảy ra tụ tập đông người; chú ý động viên các tầng lớp nhân dân tự giác, tích cực thực hiện yêu cầu giãn cách, phát hiện người không thực hiện để ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh…

Tận dụng tối đa thời gian “vàng” khi thực hiện giãn cách để làm sạch các vùng dịch, ổ dịch, phát hiện tối đa các ổ dịch trên địa bàn, không để phát sinh ổ dịch mới, hình thành vùng an toàn, vững chắc, nhanh nhất có thể. Bảo đảm trang thiết bị phòng hộ và tiêm vắc xin đầy đủ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, không để các lực lượng này bị lây nhiễm. Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ người về từ TP. Hồ Chí Minh và các địa phương đang có dịch theo quy định phòng, chống dịch.

Chú ý việc củng cố, bảo đảm an toàn các “vùng xanh”, ít nguy cơ dịch bệnh để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phải bám sát tình hình, hết sức linh hoạt để có quyết định phù hợp, nơi có ổ dịch thì cần phong tỏa chặt, cách ly nghiêm giữa người với người, gia đình với gia đình...; nơi không có dịch hoặc đảm bảo an toàn thì vẫn triển khai sản xuất, kinh doanh...

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nội dung Công văn này và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở Y tế) để theo dõi, chỉ đạo.

H.A

.
.
.