.
5 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 21 VỀ CÔNG TÁC DÂN SỐ TRONG TÌNH HÌNH MỚI TẠI TIỀN GIANG:

Cần quan tâm quy mô và chất lượng dân số

Cập nhật: 14:32, 17/12/2022 (GMT+7)

Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ chiến lược vừa cấp thiết, vừa lâu dài. Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển. Do tính quan trọng của công tác dân số, ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới.

KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Xác định tầm quan trọng của công tác dân số trong tình hình mới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tiền Giang đã có sự quan tâm đặc biệt đến việc thực hiện các chính sách về dân số. Trong đó có các nghị quyết để đầu tư cho công tác dân số và phát triển của HĐND tỉnh, như: Nghị quyết 34 quy định chính sách hỗ trợ cho người tự nguyện đình sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Nghị quyết 17 quy định kinh phí hỗ trợ cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật thực hiện chính sách dân số trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết 18 quy định chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện mục tiêu y tế - dân số của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết 26 quy định mức hỗ trợ cộng tác viên dân số và chính sách khen thưởng tập thể, cá nhân trong công tác dân số trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số.
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số.

Các kế hoạch của UBND tỉnh, như: Kế hoạch 219 về thực hiện Chiến lược Dân số giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Kế hoạch 343 về Chương trình truyền thông về dân số tỉnh Tiền Giang đến năm 2030; Kế hoạch 356 về thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2030; Công văn 6308 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án Xã hội hóa sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh tỉnh Tiền Giang năm 2021 - 2030; kế hoạch thực hiện tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển trên địa bàn Tiền Giang…

Trong 5 năm qua, để cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết 21, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tổ chức triển khai đồng bộ các hoạt động trên những lĩnh vực: Quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số, phù hợp yêu cầu chuyển hướng công tác dân số trong tình hình mới; từng bước đưa Nghị quyết 21 vào cuộc sống, ngành Y tế và các cơ quan chức năng luôn quan tâm phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số có hiệu quả nhất, phù hợp với từng đối tượng.

Nghị quyết 21 nêu rõ quan điểm: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình (với mục tiêu chủ yếu là giảm sinh) sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.

Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trên lĩnh vực dân số được chú trọng, nhất là việc định kỳ tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương; qua đó kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện công tác dân số theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 21, công tác dân số tỉnh Tiền Giang đã đạt được một số mục tiêu quan trọng. Sinh con ở tuổi vị thành niên giảm từ 510 trường hợp (năm 2015) xuống 171 trường hợp (năm 2022); tỷ số giới tính khi sinh đạt 107,83 bé trai/100 bé gái sinh ra sống… Các mục tiêu làm tốt, đã hoặc sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu vào năm 2030, đó là: Sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh phát hiện và xử trí sớm các dị dạng, dị tật, bất thường trong thời kỳ mang thai và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số từ đầu đời; giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; chiều cao trung bình nam, nữ 18 tuổi được cải thiện; tuổi thọ trung bình đạt trên 76 tuổi.

THÁCH THỨC

Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, bên cạnh các kết quả đạt được, chúng ta vẫn còn hạn chế, tồn tại và những khó khăn, thách thức phải tiếp tục phấn đấu vượt qua. Đó là mức sinh đã xuống thấp, dưới mức sinh thay thế. Mặc dù những năm gần đây, tỉnh đã có những điều chỉnh chính sách, thực hiện các hoạt động truyền thông theo hướng làm tăng mức sinh, vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu tăng mức sinh trở lại. Năm 2019, mức sinh vẫn ở mức thấp 1,82 con, chưa đạt mức sinh thay thế (2,1 con). Tuy nhiên, việc nâng mức sinh sau khi đã hạ thấp là một vấn đề rất nan giải. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn, tỷ số giới tính khi sinh những năm gần đây vẫn biến động, có giảm nhưng chưa ổn định, chưa bền vững.

Tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng chưa có giải pháp thích ứng. Tuổi thọ trung bình người Tiền Giang 74,4 tuổi năm 2009, tăng lên 76 tuổi vào năm 2019, cao hơn bình quân cả nước (73,6 tuổi năm 2019). Tiền Giang chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 (tỷ lệ người cao tuổi 60 tuổi trở lên lớn hơn 10% tổng số dân), tỷ lệ này tiếp tục tăng trong những năm gần đây.

Trong khi đó, các điều kiện kinh tế - xã hội chưa được chuẩn bị tốt để thích ứng kịp với già hóa dân số. Chưa phát huy khả năng, vai trò của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa được quan tâm đúng mức. Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2018 - 2025 theo Quyết định 5494 ngày 15-11-2017 của UBND tỉnh chỉ tập trung khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, trong khi việc khám, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi lẽ ra phải được thực hiện từ 60 tuổi.

Chất lượng dân số là vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay.
Chất lượng dân số là vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay.

Chất lượng dân số còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tình trạng người có điều kiện kinh tế khó khăn, ít có điều kiện nuôi dạy con tốt lại đẻ nhiều con, trong khi người có kinh tế khá giả lại sinh ít con ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng dân số.

Tỷ lệ tầm soát, chẩn đoán trước sinh trong 11 tháng năm 2022 là gần 64%, cao hơn mặt bằng chung của cả nước nhưng chỉ tầm soát một số bệnh tật: Bệnh down, các dị tật thai... trong khi nhiều nước trong khu vực đã tầm soát được rất nhiều bệnh. Tỷ lệ tầm soát sơ sinh cao nhưng chỉ mới tầm soát được 2 bệnh là thiếu men G6PD và suy giáp bẩm sinh, trong khi nhiều nước trong khu vực đã tầm soát được rất nhiều bệnh. Tỷ lệ nam, nữ khám sức khỏe tiền hôn nhân rất thấp nhưng khó cải thiện, hằng năm chỉ đạt từ 5% đến 7%.

Công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao, vai trò nhà trường còn hạn chế. Công tác truyền thông, giáo dục thực hiện chưa đồng đều giữa nhóm đối tượng; tổ chức bộ máy thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ còn thấp. Biên chế công chức, viên chức được giao để thực hiện công tác dân số ở tuyến tỉnh, huyện chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ về công tác dân số trong tình hình mới. Chế độ đãi ngộ đối với cán bộ chuyên trách ở cấp cơ sở và cộng tác viên dân số còn thấp nên thường xuyên biến động, hiệu quả hoạt động chưa cao…

NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Để thực hiện thắng lợi Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã chỉ đạo các cấp ủy đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt thực hiện nghiêm Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII và Chương trình hành động 25 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 21. Tiếp tục rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực dân số và các lĩnh vực liên quan, đánh giá việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các văn bản của các cơ quan cấp trên.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đặt ra yêu cầu đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thực hiện công tác dân số thông qua các kênh truyền thông. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức về chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Song song đó là đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản bảo đảm phục vụ các nhóm dân số đặc thù như trẻ em, người khuyết tật, người bị di chứng chiến tranh, người cao tuổi, người nhập cư; tổ chức cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân.

THỦY HÀ

.
.
.