.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm sau đại dịch Covid-19

Cập nhật: 08:30, 24/12/2022 (GMT+7)

(ABO) Đại dịch Covid-19 khiến tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em giảm mạnh, nhất trong năm 2021 và năm 2022. Cần nỗ lực hơn nữa trong các hoạt động tiêm chủng để đạt được mức độ bao phủ vắc xin ngăn chặn dịch bùng phát.

Cảnh báo của WHO và UNICEF

Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em trên toàn cầu đã giảm liên tục, cao nhất trong khoảng 30 năm qua do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) công bố vào tháng 7-2022. Tỷ lệ trẻ em được tiêm đủ ba mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP3) trên thế giới đã giảm từ năm 2019 đến năm 2021 chỉ còn 81%.

Tỷ lệ bao phủ vắc xin giảm ở mọi khu vực, trong đó khu vực Đông Á và Thái Bình Dương ghi nhận mức độ bao phủ DTP3 giảm mạnh nhất (9%) chỉ sau hai năm. Kết quả là 25 triệu trẻ em đã bỏ lỡ ít nhất một liều DTP thông qua các dịch vụ tiêm chủng định kỳ trong năm 2021.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2021 ước tính có khoảng 251.972 trẻ em đã bỏ lỡ một hoặc nhiều liều DTP trong chương trình tiêm chủng thường xuyên. Số trẻ em bỏ lỡ một hoặc nhiều liều DTP đã tăng gấp gần 4 lần so năm 2019. Hiện tại, 52 trong số 63 tỉnh, thành chưa đạt được tiến độ mục tiêu 90% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cơ bản được khuyến nghị khi các em tròn 12 tháng tuổi.

Tỷ lệ tiêm chủng giảm đang diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ suy dinh dưỡng đang gia tăng nhanh chóng. Trẻ suy dinh dưỡng vốn đã bị suy yếu khả năng miễn dịch và việc bỏ lỡ việc tiêm chủng có thể khiến những căn bệnh thông thường ở trẻ em nhanh chóng trở nên nguy hiểm đối với chúng.

Sự cố giảm là do nhiều yếu tố bao gồm số trẻ em sống trong môi trường xung đột và biến động ngày càng tăng, việc tiếp cận tiêm chủng khó khăn, thông tin sai lệch gia tăng và các vấn đề liên quan đến Covid-19 như gián đoạn chuỗi cung ứng và dịch vụ, chuyển hướng nguồn lực cho các nỗ lực ứng phó và ngăn chặn các biện pháp hạn chế khả năng tiếp cận và tính sẵn có của dịch vụ tiêm chủng.

Cần có nỗ lực rất lớn để đạt được mức độ bao phủ toàn cầu và ngăn chặn bùng phát dịch bệnh. Tỷ lệ bao phủ không đầy đủ đã dẫn đến các đợt bùng phát bệnh sởi và bại liệt có thể tránh được trong thời gian qua. Điều đó càng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tiêm chủng để duy trì sự khỏe mạnh cho trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn và toàn xã hội.

Giải pháp

WHO và UNICEF đang hợp tác với tổ chức Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) và các đối tác để thực hiện Chương trình báo cáo sự thật về tiêm chủng toàn cầu năm 2030 (IA2030); một chiến lược dành cho tất cả các quốc gia và các đối tác toàn cầu có liên quan để đạt được các mục tiêu về phòng bệnh thông qua tiêm chủng cho mọi người, mọi nơi, mọi lứa tuổi. Các giải pháp kêu gọi các chính phủ và các bên liên quan:

Tăng cường lực tiêm chủng bổ sung để giải quyết tình trạng trì hoãn tiêm chủng định kỳ, đồng thời mở rộng các dịch vụ tiếp cận cộng đồng ở những khu vực chưa được phục vụ để tiếp cận trẻ em bị bỏ lỡ và thực hiện các chiến dịch ngăn chặn dịch bệnh bùng phát;

Thực hiện các chiến lược dựa trên bằng chứng, lấy con người làm trung tâm và phù hợp để xây dựng niềm tin vào vắc xin, chống lại thông tin sai lệch, đặc biệt là trong các cộng đồng dễ bị tổn thương;

Bảo đảm sự sẵn có và đối phó với đại dịch hiện tại và nỗ lực củng cố cấu trúc y tế toàn cầu dẫn đến đầu tư vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, với sự hỗ trợ rõ ràng để tăng cường và duy trì tiêm chủng thiết yếu;

Bảo đảm cam kết chính trị từ các chính phủ quốc gia và tăng cường phân bổ nguồn lực trong nước để tăng cường và duy trì tiêm chủng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu;

Ưu tiên tăng cường hệ thống thông tin y tế và giám sát dịch bệnh để cung cấp dữ liệu và giám sát cần thiết cho các chương trình mục tiêu đạt được hiệu quả tối đa;

Để giải quyết tình trạng tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên thấp, Bộ Y tế đã lên kế hoạch và triển khai tiêm bổ sung cho trẻ em ở các khu vực có độ bao phủ thấp vắc xin sởi (SIA) - rubella (MR) và vắc xin uống phòng bệnh bại liệt (bOPV) cho trẻ em từ 1 đến 5 tuổi; đã nỗ lực để đưa việc tiêm chủng thường xuyên cho trẻ em trở lại đúng hướng.

Tiền Giang là một trong các tỉnh, thành khu vực phía Nam luôn duy trì tỷ lệ tiêm chủng trẻ em hằng năm ở mức rất cao từ 98% trở lên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên trong chương trình Tiêm chủng mở rộng trong 2 năm cũng giảm rõ rệt. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang, trong năm 2021, tỷ lệ tiêm DPT mũi 4 cho trẻ chỉ đạt 75,6%, tỷ lệ tiêm MR (sởi - rubella) chỉ đạt 83,2%.

Tính đến 11 tháng trong năm 2022, tỷ lệ tiêm DPT mũi 4 cho trẻ là 61,2%, tỷ lệ tiêm MR là 78,6% do thiếu nguồn cung ứng vắc xin từ Trung ương. Nhiều nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm có vắc xin dự phòng sau đại dịch Covid-19 ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi… do mức độ bao phủ vắc xin giảm. Sự gia tăng số mắc bệnh ở trẻ nhỏ sẽ làm gia tăng mức độ nhập viện, nặng và lây lan tại các cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng, tiếp tục gây áp lực cho hệ thống y tế đã quá tải.

Nhằm đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt mức độ bao phủ cao để duy trì miễn dịch cộng đồng, các địa phương cần tổ chức lại hệ thống tiêm chủng, duy trì hoạt động tiêm chủng thường xuyên và đột xuất, bổ sung, tiêm vét khi cần. Quản lý đầy đủ các đối tượng chưa được tiêm chủng, chưa đủ liều, tiêm trễ, chưa tiêm nhắc trên địa bàn phụ trách.

Triển khai ngay việc tiêm chủng cho các đối tượng khi nhận được phân bổ vắc xin. Giám sát chặt chẽ các bệnh truyền nhiễm, điều trị tích cực, thực hiện các biện pháp cách ly, phòng lây nhiễm. Tăng cường các hoạt động truyền thông về bệnh, các biện pháp phòng, chống để người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch. Khi có các triệu chứng nghi ngờ, phụ huynh và người chăm sóc cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị tích cực.

BS. LÊ ĐĂNG NGẠN

.
.
.