.

Nhiều thực phẩm chức năng đang bị "thổi phồng" tác dụng

Cập nhật: 18:57, 21/12/2022 (GMT+7)

Số lượng thực phẩm chức năng đăng ký mới mỗi năm có thể lên tới con số chục nghìn trong 20 năm qua, trong đó có hơn 70% là sản phẩm sản xuất trong nước. Người biết và sử dụng thực phẩm chức năng tăng lên trên 60%. Tuy nhiên, thời gian qua, rất nhiều sản phẩm vi phạm quảng cáo, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Hai đối tượng người tỉnh Hải Dương bán thực phẩm chức năng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. (Ảnh Đội quản lý thị trường số 5 cung cấp).
Hai đối tượng người tỉnh Hải Dương bán thực phẩm chức năng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. (Ảnh Đội quản lý thị trường số 5 cung cấp).

PGS, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm thông tin, nhiều doanh nghiệp đang có tình trạng "đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo". Không ít đơn vị đã lợi dụng hình ảnh các y bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên để "thổi phồng" tác dụng của thực phẩm chức năng.

Hiện nay, người tiêu dùng có thể tìm mua các sản phẩm thực phẩm chức năng ở nhiều nơi, từ cửa hàng, siêu thị, các nhà thuốc, các shop online, các website hoặc mạng xã hội của chính các công ty phân phối. Sự quan tâm của người tiêu dùng tới hiệu quả của thực phẩm chức năng ngày càng tăng lên.

Tuy nhiên, cùng với đó, các vấn đề nảy sinh liên quan đến việc vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng cũng tăng lên.

Tại hội thảo "Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng" do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp với Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam tổ chức, Tiến sĩ Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế bày tỏ những bức xúc về việc sử dụng danh nghĩa, hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng, cơ quan báo chí, truyền hình uy tín để quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, thần dược.

“Chúng tôi theo dõi, thống kê thấy rằng có những diễn viên, người nổi tiếng nhiều bệnh vì quảng cáo sản phẩm nào cũng tham gia, lúc thì bệnh gout, tim mạch, lúc là bệnh huyết áp… và đều khỏi bệnh sau một thời gian ngắn sử dụng sản phẩm”, Tiến sĩ Nga nói.

Quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, khiến nhiều người mua và sử dụng sản phẩm không hiệu quả, tiền mất tật mang. Cục An toàn Thực phẩm đã công khai thông tin trên website của cơ quan này để cảnh báo nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra phổ biến.

Rất nhiều sản phẩm chưa được Cục An toàn thực phẩm xác nhận nội dung quảng cáo nhưng vẫn xuất hiện rộng rãi trên các phương tiện đại chúng. Một số trường hợp quảng cáo sai nội dung được phê duyệt, thêm bớt từ ngữ bị cấm hoặc câu chữ khiến người tiêu dùng cảm nhận “đây là thần dược”.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, có hiện tượng sản phẩm không đúng như bản đăng ký. Nhà sản xuất còn vì lợi nhuận mà cho thêm chất cấm, chất độc hại vào trong sản phẩm.

Đến nay, Cục An toàn thực phẩm đã xử lý 285 trường hợp vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng. Về xử phạt hành chính, năm 2020, số cơ sở vi phạm là 48, số tiền phạt hơn 2 tỷ đồng. 10 tháng đầu năm 2022 phát hiện 28 cơ sở vi phạm, thu 10,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý vi phạm quảng cáo khá khó khăn vì các website, mạng xã hội đặt máy chủ tại nước ngoài khó kiểm soát; không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm, không có cơ sở để xử lý.

Sự phát triển công nghệ số đã rất dễ dàng tạo các clip, video sử dụng hình ảnh các cơ sở y tế, bác sĩ, hình ảnh đài truyền hình, nhà khoa học đã nghỉ hưu để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh.

Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân có sản phẩm vi phạm quảng cáo, khi cơ quan quản lý phát hiện, mời đến lập biên bản vi phạm hành chính không thừa nhận trang web vi phạm là của mình, do vậy không xử lý được.

Theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, thực tế thực phẩm chức năng đã góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng vấn đề hoàn thiện thể chế, vấn đề hướng dẫn người dân sử dụng thực phẩm chức năng làm sao cho đúng với tác dụng và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, cần phải được quan tâm và có hướng giải quyết hiệu quả.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, cho rằng kỹ thuật chống hàng giả của Việt Nam hiện đã tụt hậu và không hữu ích.

Do đó, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan cùng với các doanh nghiệp phải có những công cụ, giải pháp tiên tiến được pháp luật thừa nhận để có thể hỗ trợ cho lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ; có cơ sở để đánh giá, xác minh nhanh độ thật, giả của sản phẩm thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường.

Ông Lê cũng đề nghị các cơ quan truyền thông cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng không tự ý mua thực phẩm chức năng không qua tư vấn của cơ quan, đơn vị có chuyên môn, không mua theo trào lưu, trên mạng.

(Theo nhandan.vn)

.
.
.