Gần 1/5 dân số Việt Nam bị thừa cân
Mức độ hoạt động thể lực của người dân còn thấp. Gần 1/4 dân số thiếu hoạt động thể lực. Gần 1/5 dân số bị thừa cân, trong đó có 2,1% béo phì.
Các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm ở nước ta đang ở mức cao và có chiều hướng gia tăng, Chính phủ cho biết trong báo cáo về lĩnh vực y tế vừa được gửi đến Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 của cơ quan lập pháp.
Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký gửi Quốc hội, nhiều thói quen sinh hoạt không tốt của người dân đang góp phần tạo ra nguy cơ bệnh không lây nhiễm ở mức cao.
Có 20,8% dân số Việt Nam từ 15 tuổi trở lên hiện đang hút thuốc, bao gồm 41,1% nam giới và 0,6% nữ giới. Khoảng 1/3 dân số đã từng tiếp xúc với khói thuốc.
Gần 2/3 nam giới, 1/10 nữ giới có uống rượu, bia. Khoảng 14,7% số người uống rượu, bia ở mức nguy hại (trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 6 đơn vị cồn trở lên) và tỷ lệ này ở nam giới (28,5%) cao hơn nhiều lần so với nữ giới (1%).
Khoảng 59% dân số ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị là mỗi người cần ăn ít nhất 5 suất (tương đương với 400g) mỗi ngày. Tỷ lệ dân số luôn luôn hoặc thường xuyên thêm muối, mắm hoặc gia vị mặn vào thức ăn khi nấu ăn hoặc trong khi ăn là 78,2%.
Trong khi đó, mức độ hoạt động thể lực của người dân còn thấp. Gần 1/4 dân số thiếu hoạt động thể lực (không đạt mức theo khuyến nghị của WHO). Gần 1/5 dân số bị thừa cân, trong đó có 2,1% béo phì. Khoảng 44,1% người trưởng thành có mức cholesterol toàn phần trong máu cao ≥ 5mmol/L hoặc hiện đang dùng thuốc điều trị tăng cholesterol.
Nhìn chung 15,3% dân số từ 40 đến 69 tuổi có nguy cơ cao ≥ 20% trong vòng 10 năm tới bị các biến cố tim mạch như đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, chỉ có 40,8% trong số những người có nguy cơ cao này được tư vấn và dùng thuốc để phòng ngừa bệnh.
Số liệu về mô hình tử vong cũng cho thấy gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm ở nước ta chiếm tỷ trọng cao nhất, 73,66% số ca mắc và 78,6% số ca tử vong năm 2020.
Theo sggp.org.vn