Khó trăm bề!
Sân vận động Mỹ Ðình, nơi sẽ diễn ra lễ khai mạc, bế mạc SEA Games 31. |
"Chưa bao giờ một kỳ SEA Games lại đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức như lần này. Việt Nam cùng các quốc gia trong khu vực đưa ra hàng chục phương án khác nhau để đối phó tình hình dịch Covid-19 trong năm 2021, nhưng vẫn rất bị động…", Phó Tổng cục trưởng Thể dục - Thể thao Lê Hoàng Yến bày tỏ.
Ðau đầu với Covid-19
Ngày 20-11, Ban tổ chức SEA Games 31 đã tiến hành lễ đếm ngược một năm trước ngày khai mạc Ðại hội thể thao khu vực. Như vậy, Việt Nam chỉ còn đúng 12 tháng nữa để chuẩn bị cho kỳ SEA Games lần thứ hai diễn ra trên sân nhà. 365 ngày là khoảng thời gian không nhiều với sự kiện thể thao số một Ðông-Nam Á, và điều khiến tất cả lo lắng, nhất là tình hình dịch bệnh làm các kế hoạch vẫn ở "chế độ chờ".
Tất nhiên, Ban tổ chức không ngồi yên đợi hết dịch, mà đã bắt tay vào việc, cùng với đó là hàng chục phương án, kịch bản SEA Games. Thậm chí, có thể phải tổ chức trong điều kiện dịch Covid-19 chưa được kiểm soát. Ở cuộc họp trực tuyến mới nhất giữa nước chủ nhà Việt Nam với các quốc gia trong khu vực, vấn đề dịch bệnh trở thành tâm điểm, chiếm thời lượng lớn trong các nội dung thảo luận.
Với khoảng trên dưới 10.000 quan chức, huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VÐV), nhân viên y tế, an ninh… từ 10 quốc gia trong khu vực tới tham dự SEA Games, đây vẫn là một bài toán rất nan giải cho việc phòng, chống dịch.
"Chúng tôi đã đưa ra nhiều phương án khác nhau, như kế hoạch cách ly các đoàn ra sao, kiểm tra y tế thế nào, rồi các địa điểm thi đấu có thể không mở cửa cho khán giả… Nhưng phương án nào cũng vẫn phải chờ vào tình hình dịch bệnh có được kiểm soát hay không, có vắc-xin trong năm tới hay không, mọi thứ rất bị động", bà Lê Hoàng Yến chia sẻ.
Ðể kiểm soát tốt nhất, nước chủ nhà quyết định không xây dựng làng VÐV. Thay vào đó, Ban tổ chức cung cấp địa chỉ lưu trú cũng như dịch vụ y tế cho các thành viên tham dự theo đúng yêu cầu. Ngay từ thời điểm này, Việt Nam đã làm việc với các phòng thí nghiệm tại Thái-lan, Hàn Quốc và Trung Quốc để có những tư vấn hiệu quả về phòng, chống dịch.
"Trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6 năm tới, Ban tổ chức sẽ cung cấp các mẫu khai báo tham dự kỳ Ðại hội thể thao lần thứ 31 cho các nước thành viên tham gia. Tiếp đó, tháng 6-2021, nước chủ nhà cũng cung cấp sách hướng dẫn về y tế, dược phẩm cho các đoàn", Giám đốc Trung tâm Doping và y học Thể thao Việt Nam, Trưởng ban Y tế SEA Games 31 Nguyễn Văn Phú cho biết.
Dù có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng dịch bệnh đang có những diễn biến rất khó lường. Như một cán bộ nói vui, có lẽ Việt Nam phải chờ… ông trời có thương hay không. Bởi, nếu dịch bệnh tiếp tục bùng phát trong năm sau, nguy cơ hoãn, hoặc hủy SEA Games hoàn toàn có thể xảy ra. Ngay cả Olympic cũng đã lùi lại một năm và đang có nhiều ý kiến. Việt Nam dù kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhưng cũng phải chờ đợi và hy vọng tình hình trong khu vực khả quan hơn.
Bài toán tài chính
Thông thường, việc tổ chức một kỳ đại hội thể thao lớn như SEA Games, các nước chủ nhà luôn đối mặt nguy cơ "lỗ". Với tình hình dịch bệnh hiện tại, khả năng thu không bù được chi là không tránh khỏi với Việt Nam.
Theo đề án chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31, số tiền chi cho công tác tổ chức đại hội là 1.608 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Cụ thể như chi 591 tỷ đồng để sửa chữa các địa điểm thi đấu, hỗ trợ thêm 11 tỷ đồng cho tỉnh Hòa Bình chuẩn bị đường đua xe đạp địa hình...
Số tiền dự kiến thu về từ việc tổ chức SEA Games 31 là… 285 tỷ đồng, trong đó thu khai thác bản quyền 20 tỷ đồng; thu ăn, ở của các đoàn 135,459 tỷ đồng; 60 tỷ đồng bán vé và khoảng 70 tỷ đồng tiền tài trợ.
Tuy nhiên, như nói ở trên, nếu dịch Covid-19 chưa được kiểm soát trong khu vực, các địa điểm thi đấu có thể không mở cửa cho khán giả, đồng nghĩa số tiền thu từ bán vé bằng "không". Bên cạnh đó, dự kiến tiền tài trợ, quảng cáo cũng khó đạt được như kỳ vọng, khi các doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu.
Gặp khó về tài chính, Ban tổ chức SEA Games đành phải "giật gấu vá vai", cắt giảm rất nhiều khâu như thay việc xây mới các địa điểm thi đấu bằng cách sửa chữa, nâng cấp, nhằm sử dụng lại toàn bộ cơ sở vật chất từ năm 2003… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công tác bảo dưỡng các địa điểm thi đấu vẫn "đóng băng" khi kinh phí chưa được rót. Hà Nội còn đang đề nghị chuyển môn tennis sang một tỉnh khác. Ngay cả môn thể thao vua, Hà Nội cũng xin chỉ đăng cai một bảng đấu bóng đá nam, và "đẩy" nửa còn lại lên Việt Trì (Phú Thọ) để giảm chi phí.
Nhiều tiểu ban như điều hành lễ khai mạc, bế mạc, vận động tài trợ... đến giờ phút này vẫn chưa được thành lập. Khâu chuẩn bị của Ban tổ chức mới chỉ dừng lại ở việc vừa "chốt" xong linh vật, biểu tượng đại hội (nhưng cũng chưa có bài hát SEA Games). Việt Nam mới chỉ "đàm phán" xong với các quốc gia trong khu vực về nội dung thi đấu (khoảng 40 môn).
Dù chúng ta từng tổ chức rất tốt và rất tự hào về kỳ SEA Games 2003, tuy nhiên, Ðại hội thể thao hàng đầu khu vực đang là một thách thức thật sự, thậm chí là gánh nặng. Khó khăn trăm bề đã được nhìn thấy từ bây giờ, và chỉ mong, những vấn đề nêu trên sẽ được giải quyết với điều kiện tốt nhất, trong năm tới.
Sao la chính thức được đề nghị là Linh vật của SEA Games 31. |
(Theo https://nhandan.com.vn/the-thao/kho-tram-be--627031)