Giữ gìn di sản văn hóa quý báu của cha ông
Trong nỗ lực gìn giữ những giá trị văn học dân gian có nguy cơ bị mai một trong xã hội hiện đại, công trình “Văn học dân gian Tiền Giang” được Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh ấn hành là một công trình có ý nghĩa, thể hiện tâm huyết cũng như thái độ làm việc khoa học, nghiêm cẩn của nhóm tác giả biên soạn. Công trình này đã nhận được giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2018 (tập thể, giải Ba A).
Đây là công trình sưu tầm điền dã văn học dân gian của tỉnh Tiền Giang do các thầy cô và sinh viên của Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh triển khai, sưu tầm trong hai đợt, với tổng số cộng tác viên mà nhóm sưu tầm điền dã tiếp xúc lên đến 1.851 người, làm việc tại các địa bàn xã trong TP. Mỹ Tho và các huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Châu Thành, Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước.
Kết quả sưu tầm văn học dân gian Tiền Giang cả hai đợt bao gồm 26.371 đơn vị tác phẩm ở nhiều thể loại. Trong hai đợt điền dã ấy, với sự hướng dẫn trực tiếp của 11 thầy cô và gần 300 sinh viên của trường đã có 1.851 cuộc tiếp xúc với cộng tác viên là nhân dân địa phương.
Sau thời gian dài làm công việc lọc bỏ, tinh chọn, phân loại và chỉnh lý, nhóm biên soạn gồm Tiến sĩ (TS) La Mai Thi Gia, TS. Phan Xuân Viện và Thạc sĩ (ThS.) Lê Thị Thanh Vy đã giữ lại và đưa vào tập sách được 1.021 câu đố, 903 câu tục ngữ, 108 truyện kể, 1.251 câu ca dao và 49 bài vè.
CÁC THỂ LOẠI CÂU ĐỐ, TỤC NGỮ VÀ TRUYỆN KỂ DÂN GIAN
Tập I của công trình “Văn học dân gian Tiền Giang” là kết quả của việc sưu tầm các thể loại câu đố, tục ngữ (do Ths. Lê Thanh Vy biên soạn) và truyện kể dân gian (do TS. Phan Xuân Viện biên soạn).
Theo nhận định của nhóm nghiên cứu: “Câu đố là một thể loại rất phát triển tại Tiền Giang”, với 1.019 đơn vị được sưu tầm. Các tác giả đã dày công phân nhóm dựa trên nội dung câu đố như: Câu đố về hiện tượng tự nhiên, về các công trình kiến trúc, về loài vật, về các loại cây, về củ quả, về các loại hoa, về các loại bánh, về địa danh, về dụng cụ học tập, về danh nhân, về chữ nghĩa, về con người, về các đồ vật, về các sự việc trong cuộc sống.
Qua đó nhận thấy, câu đố về tự nhiên chiếm áp đảo trong kho tàng câu đố dân gian ở Tiền Giang “phản ánh một cuộc sống lấy nông nghiệp và trồng trọt là hình thức kinh tế chính của cư dân Đồng bằng sông Cửu Long”.
Nét riêng của câu đố Tiền Giang nằm ở một số câu đố trực tiếp đề cập đến những địa danh ở Tiền Giang như: “Chợ gì ấm bụng no lòng?” (Chợ Gạo), “Chợ gì xe chạy ngập ngừng / Ai mà đáp được khen rằng thật hay?” (Chợ Gò Công)…
Cuối phần tác phẩm sưu tầm của mỗi thể loại, nhóm sưu tầm điền dã đều ghi rõ thông tin của những cộng tác viên đã cung cấp cho nhóm những tác phẩm trên. Đây là điểm rất đáng quý của công trình, thể hiện sự nghiêm cẩn, sự trân trọng những người dân bình dị đã góp công lưu giữ di sản văn hóa quý báu của cha ông. Có thể nói, đây là một công trình điền dã đồ sộ, chi tiết, tỉ mỉ, nghiêm túc và trung thực... Một tài liệu rất hữu ích cho những ai quan tâm đến việc tiếp nhận, giữ gìn và nghiên cứu văn học dân gian Nam bộ nói chung, văn học dân gian Tiền Giang nói riêng. |
Với thể loại tục ngữ, nhóm nghiên cứu đã sưu tầm được 903 đơn vị. Trong đó áp đảo là lượng tục ngữ đề cập đến đời sống tinh thần cũng như những quan niệm về nhân sinh vũ trụ. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn nhận ra được đặc điểm riêng của tục ngữ Tiền Giang khi có sự xuất hiện của các nhân danh, địa danh Tiền Giang trong tục ngữ như: “Giàu như ông Cai Lữ, mưu sự như ông Thuộc Nhiêu” hay “Ốc gạo Cồn Tre một người đè hai người lể” .
Với lượng truyện dân gian được sưu tầm là 108 truyện, nhóm biên soạn đã làm công tác đối chiếu với số lượng truyện dân gian được sưu tầm ở các địa phương khác để từ đó nêu lên những trăn trở trong công tác sưu tầm bảo lưu thể loại truyện dân gian. Đó là “vấn đề mai một trầm trọng trữ lượng văn học dân gian địa phương/vùng/miền là đáng được các giới quan tâm lên tiếng báo động ở cấp cao nhất có thể”.
Truyện dân gian của Tiền Giang được tác giả phân loại thành các tiểu loại như: Truyền thuyết (12 truyện), cổ tích (26 truyện), truyện cười (56 truyện), ngụ ngôn (14 truyện).
Trong số các truyện dân gian có thể thấy dấu ấn địa phương đậm nét qua những truyền thuyết về địa danh lịch sử - văn hóa như: Sự tích Giồng Giăng: Hai cậu cháu giết cọp, Dũng sĩ Rạch Chốt, Con chồn ở rạch Già, Truyền thuyết Rạch Gầm, Ao Bà Quà, Ao Bà Hiệp, sự tích vàm Kỳ Hôn….
CÁC THỂ LOẠI CA DAO, DÂN CA VÀ VÈ
Tập 2 của công trình “Văn học dân gian Tiền Giang” là kết quả của việc sưu tầm các thể loại ca dao, dân ca và vè (TS. La Mai Thi Gia biên soạn).
Có thể nói, ca dao, dân ca là thể loại đặc sắc “phong phú về số lượng và đa dạng về nội dung chủ đề được thể hiện bằng nhiều hình thức diễn xướng khác nhau như ca, ngâm, hát, hò đối…”. Có tổng cộng 1.251 đơn vị ca dao được đưa vào công trình.
Tác giả cũng đã dày công khi phân loại ca dao, dân ca thành những nhóm như: Tình yêu quê hương đất nước và lao động sản xuất; tình yêu nam nữ; tình cảm gia đình, nhân sinh và các chủ đề khác.
Bên cạnh việc thể hiện những chủ đề của ca dao cả nước nói chung, ca dao, dân ca Tiền Giang còn thể hiện những nét đặc trưng về thiên nhiên, phong cảnh cũng như tính cách, lối sống của người dân Nam bộ:
- “Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về học lấy chữ nhu
Chín trăng em cũng đợi
Mười thu em cũng chờ”.
- “Đất Gò Công chưa mưa đã nắng
Gái Gò Công má thắm môi son”.
Vè sưu tầm được ở Tiền Giang với những chủ đề quen thuộc như vè kể việc, vè thế sự, vè lịch sử… Đặc biệt, đóng góp có giá trị là mảng vè lịch sử đã phản ánh những sự kiện lịch sử và thái độ của nhân dân Tiền Giang nói riêng, nhân dân Nam bộ nói chung đối với giặc ngoại xâm.
Qua đó người đọc sẽ hình dung một cách sâu sắc tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc, sự trân trọng tấm gương hy sinh của những anh hùng đảm lược kiên trung của nhân dân Tiền Giang: Vè Tôn Đức Thắng - người cách mạng kiên trung, Vè Bình Tây Đại nguyên soái…
Ths. TRẦM THANH TUẤN