Tết Nguyên đán đang tới gần, mùa lễ hội cũng cận kề, song những diễn biến căng thẳng của dịch Covid-19 đã làm cho nhiều hoạt động chững lại. Nhiều địa phương dù trước đó đã xây dựng các phương án, kịch bản để sẵn sàng ứng phó với dịch nhưng vẫn không tránh khỏi lúng túng. Câu chuyện lễ hội giờ không chỉ là văn minh, truyền thống mà còn phải làm sao thật bình yên.
Linh hoạt thích ứng
Đi lễ hội, tới đền chùa dịp đầu năm từ lâu đã là một nét văn hóa truyền thống, một nhu cầu tâm linh quan trọng của người Việt. Khác với những mùa lễ hội trước đây, khi dịch Covid-19 chưa ập đến, văn minh ứng xử trong lễ hội là thái độ gìn giữ vệ sinh môi trường, là việc không ăn mặc và có hành vi phản cảm, lạm dụng đồ vàng mã... thì nay, tiêu chí an toàn phòng dịch đặt lên trên hết.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy cho biết, bộ đã ban hành một số văn bản hướng dẫn triển khai các biện pháp an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Đặc biệt đối với mùa lễ hội xuân 2021, ngay từ đầu tháng 1, nhiều đoàn thanh - kiểm tra đã tới các địa phương có những lễ hội có quy mô lớn, thu hút đông du khách hành hương để kiểm tra các phương án tổ chức, trong đó chú trọng tới các giải pháp ứng phó với diễn biến của dịch bệnh.
Nhiều giải pháp phòng chống dịch được đưa ra như đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh; có bản hướng dẫn, tờ rơi, loa phát thanh ở các điểm du lịch, văn hóa, điểm tổ chức lễ hội. Các đơn vị chức năng tăng cường thanh - kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước tại các địa phương.
|
Lễ hội Chùa Hương - một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất năm 2021 sẽ dừng tổ chức. |
Năm nay, UBND TP Hà Nội có chỉ đạo không tổ chức khai hội tại các lễ hội trên địa bàn. Song song đó, ban tổ chức các lễ hội cũng đã có những thông báo đảm bảo an toàn phòng dịch với du khách tham quan, cúng bái. Lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức - Hà Nội), một trong những lễ hội mùa xuân có quy mô và thời gian kéo dài nhất miền Bắc, ngay từ đầu mùa đã chuẩn bị sẵn sàng việc ứng phó nếu dịch Covid-19 bùng phát trở lại, với 3 cấp độ như: tình huống không thực hiện giãn cách xã hội, tình huống thực hiện giãn cách xã hội và tình huống tạm ngừng hoạt động lễ hội.
Ngày 6-2, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phùng Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) cho biết, UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã có văn bản quyết định dừng tổ chức lễ hội, điều này đồng nghĩa với việc sẽ dừng luôn việc phục vụ du khách tham quan trong những ngày đầu xuân 2021. Hai lễ hội lớn tại Nam Định là lễ hội Chợ Viềng diễn ra tối mùng 7 rạng sáng mùng 8 tháng Giêng âm lịch và lễ Khai ấn đền Trần khai hội ngày 14 tháng Giêng, trước diễn biến mới của dịch bệnh, UBND tỉnh cũng chủ động ra quyết định tạm dừng tổ chức. Việc phát ấn trực tiếp cũng sẽ bị hủy bỏ và thay vào đó là gửi ấn qua đường bưu điện cho du khách thập phương có yêu cầu.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hàng loạt lễ hội mùa xuân ở Hà Nội, Hà Nam, Phú Thọ… cũng đã thông báo địa phương dừng không tổ chức các hoạt động phần hội tập trung đông người nhằm đảm bảo tinh thần phòng chống dịch.
Phát huy tinh thần “Phật tại tâm”, sống đẹp vì mọi người
Cùng chia sẻ những lo lắng về mùa lễ hội xuân 2021, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, nhiều người có tâm lý lo lắng thì việc đến với các cơ sở tín ngưỡng, tâm linh là một hình thức giúp người dân giảm bớt căng thẳng, lo âu trong cuộc sống. Tuy nhiên, toàn xã hội đang trong cuộc chiến chống dịch bệnh, vì thế việc đi lễ đông người là một hành động không nên khuyến khích.
Cũng theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, trong trường hợp không thể đến được đền, chùa, các phương tiện truyền thông mới có thể giúp chúng ta lắng nghe, thực hành tín ngưỡng, tôn giáo mà không nhất thiết phải đến trực tiếp. “Chúng ta cũng có thể dành thêm thời gian cho gia đình để thể hiện tinh thần báo hiếu quan trọng của dịp đầu năm mới, như trong đạo Phật từng răn dạy: “Phật tại tâm”. Nếu chúng ta làm những điều tốt đẹp ngay với những người xung quanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất thì những điều tốt đẹp cũng sẽ đến với mỗi chúng ta. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, sống đẹp là sống vì mọi người...”, PGS-TS Bùi Hoài Sơn phân tích.
Lễ hội Chùa Hương - một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất sẽ dừng tổ chức để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.
|
|
Khẳng định ý nghĩa tốt đẹp của truyền thống tới chùa cầu quốc thái dân an, mùa màng bội thu, gia đình mạnh khỏe bình an, hạnh phúc, song Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng khuyến cáo việc người dân không nên tập trung đông người trong giai đoạn dịch Covid-19 đang phức tạp.
Thượng tọa Thích Đức Thiện nói: “Đây là lúc nên phát huy tinh thần “Phật tại tâm”. Thay vì đến chùa, phật tử và nhân dân có thể thực hành nghi lễ tâm linh tại gia. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngay cuối tháng 1-2021 đã có văn bản yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19. Tất cả chùa, cơ sở tự viện trong cả nước thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán”.
Quảng Ninh là một trong những vùng dịch Covid-19 vừa được phát hiện, Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, cho biết, đã sẵn sàng tâm thế chống dịch mạnh mẽ nhất, kể cả hạn chế du khách thập phương hành hương trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. “Nếu tình hình căng thẳng quá, du khách sẽ không được lên đỉnh Yên Tử, chỉ có các tăng, ni thực hành các khóa lễ. Phật giáo hay bất cứ tôn giáo nào khác đều phải bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Còn sức khỏe, bảo toàn tính mạng thì ta còn mọi thứ”, Thượng tọa Thích Đạo Hiển nói.
Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, mùa lễ hội xuân 2021 chắc chắn sẽ không còn hình ảnh tưng bừng trẩy hội dọc suối Yến - chùa Hương, non thiêng Yên Tử cũng không còn nô nức du khách thập phương… Song chính ý thức tự điều chỉnh nhận thức, hành vi của chính mình để có thể vừa thể hiện lòng thành kính với các bậc tiền nhân, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, chính là văn minh lễ hội thích ứng với tình hình mới, hoàn cảnh mới.
(Theo https://www.sggp.org.vn/mua-le-hoi-phap-phong-lo-au-713012.html)