.

Chợ nổi Cái Bè: Du khách đến Tiền Giang không thể bỏ qua

Cập nhật: 10:04, 14/02/2022 (GMT+7)

Chợ nổi Cái Bè nằm trên đoạn sông Tiền giáp ranh giữa 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long; cách trung tâm TP. Mỹ Tho 46 km về phía Tây. Với hệ thống sông rạch chằng chịt, đặc biệt là sự giao nhau của những nhánh sông đã tạo nên vùng sông nước rộng lớn nối với sông Tiền, mà người dân địa phương quen gọi là vàm Cái Bè. Từ năm 1986, người dân trong vùng và các vùng lân cận đã tập hợp về  đây để  trao  đổi, mua bán những sản phẩm của địa phương, dần dần biến vàm Cái Bè thành một khu chợ trên sông, mà cư dân quanh vùng quen gọi là chợ nổi Cái Bè, là một trong những chợ đầu mối lớn nhất ở miền Tây Nam bộ.

Chợ nổi Cái Bè nhộn nhịp mua bán vào buổi sáng sớm. Ảnh: VÕ NGUYÊN PHÚ
Chợ nổi Cái Bè nhộn nhịp mua bán vào buổi sáng sớm. Ảnh: VÕ NGUYÊN PHÚ

Không chỉ mang đậm nét đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long, chợ nổi Cái Bè còn là điểm du lịch hấp dẫn, du khách được tận mắt chiêm ngưỡng và tìm hiểu tập quán văn hóa mua bán truyền thống của người dân miền Tây Nam bộ.  

HẤP DẪN DU KHÁCH TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC

Chợ nổi Cái Bè được hình thành từ khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ XVII. Thời bấy giờ, trên vàm Cái Bè, do có nhiều ghe mua bán trong vùng lân cận tụ hội về đây trao đổi nông sản, nên dần “họp” thành chợ nổi này, trên đoạn sông từ vàm sông Cái Bè đến ngã ba nhà thờ Cái Bè.

Sách “Gia Định thành thông chí” ghi nhận: “Đầu thế kỷ XIX, chợ nổi Cái Bè rất sung túc. Bè tre đậu kín vàm rạch, chở lúa gạo, cá khô, cau khô và các loại vỏ cây già, cây đước bán tận Campuchia. Đến cuối thế kỷ XX, nơi đây đã trở thành một trong những khu chợ đầu mối lớn nhất khu vực Nam bộ…”.

Vào thời hưng thịnh, chợ nổi Cái Bè hoạt động suốt ngày lẫn đêm. Hàng hóa rất đa dạng và phong phú, từ vải vóc, thủy hải sản cho đến đồ gia dụng, đồ uống…, nổi bật nhất là trái cây. Dần dần, do nhu cầu của người dân, chợ nổi Cái Bè không chỉ buôn bán trái cây hay các loại nông phẩm, mà còn cả các món ăn.

Các xuồng nhỏ len lỏi giữa các thuyền trái cây, chủ yếu bán nước uống, điểm tâm sáng cho người đi chợ, như hủ tiếu, cháo lòng, bánh canh, cà phê…

Khu vực bán các loại rau, củ, quả chạy dài từ ngã ba Nhà Thờ đến cửa vàm Long Hải, ghe lớn có trọng tải từ 5 - 10 tấn từ các tỉnh khác chở hàng đến mua bán. Khu bán gạo, cám thì nằm riêng biệt ở một khúc sông.

Theo thời gian, cùng với sự phát triển của ngành Du lịch, chợ nổi Cái Bè đã trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về nét sinh hoạt đặc trưng của cư dân vùng sông nước Nam bộ.

Chính những nét sinh hoạt độc đáo của chợ nổi Cái Bè đã tạo nên sức hút đối với du khách gần xa, nhất là du khách nước ngoài và trở thành điểm du lịch hấp dẫn của địa phương. Có thời điểm, lượng khách tham quan chợ nổi Cái Bè chiếm khoảng 80% trong tổng số du khách đến Tiền Giang.

Đến tham quan chợ nổi Cái Bè, đặc biệt là vào dịp tết, du khách sẽ cảm nhận được không khí mát lạnh tuyệt vời vào buổi sáng sớm, những chiếc thuyền nhỏ lướt trong màn sương dày trên sông; được nghe tiếng í ới trên sông nhưng không rõ mặt người; được tận mắt ngắm nhìn những chiếc xuồng chở đầy hoa tết, hay chở đầy rau, củ, quả được bày bán trên sông.

Khi sương mù tan dần, mặt trời ló dạng, du khách được ngắm nhìn khung cảnh nên thơ trên sông và có cảm giác hết sức thú vị khi ngồi thưởng thức điểm tâm sáng, uống cà phê trên thuyền, xung quanh mênh mông sóng nước, đặc biệt là du khách nước ngoài.

“VĂN HÓA CHỢ NỔI”

Một trong những nét sinh hoạt độc đáo ở miền sông nước tạo ấn tượng với du khách chính là cảnh mua bán nhộn nhịp trên sông. Nét độc đáo của chợ nổi là ghe thuyền bán thứ gì thì treo thứ ấy lên đầu ngọn sào (gọi là cây bẹo) để người mua biết, không phải rao mời, giúp người mua dễ nhận biết. Đó là một chỉ dẫn rất thú vị và riêng biệt trong cách giao dịch của người dân miệt vườn tại đây.

Chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm nhấn du lịch của TP. Cần Thơ. Năm 2016, chợ nổi Cái Răng được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hầu hết du khách đến Cần Thơ đều tham gia tour tham quan chợ nổi Cái Răng. Hy vọng một ngày không xa, chợ nổi Cái Bè sẽ là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và là điểm du lịch không thể bỏ qua khi du khách đến Tiền Giang.

Chợ nổi khác chợ trên bờ ở chỗ người bán chẳng cần rao hàng, không ồn ào, vồn vã, không níu kéo nhưng có sức thu hút khách. Người mua chỉ cần nhìn các mặt hàng treo trên cây bẹo ngay mũi ghe là biết chủ ghe bán gì.

Hình thức “bẹo hàng”, tức là quảng bá hàng hóa tại chợ này đã tạo nên nét riêng biệt và nổi bật của chợ nổi miền Tây. Và nguyên tắc mua bán ở chợ nổi Cái Bè là ít kỳ kèo, ít nói thách về giá cả để người bán và người mua đều có lợi, tiết kiệm được thời gian, hạn chế chi phí, đưa nhanh hàng hóa đến nơi cần thiết. Mọi người đều thấm nhuần các quy ước, thông lệ mua bán trên sông nên đã tự thỏa thuận, vạch ra một công thức, trật tự giao thương cho mình, trở thành “văn hóa chợ nổi.”

Cảnh mua bán ở chợ nổi cũng rất thú vị, người ta thường hỏi và trả giá từng cần xé, hay ít nhất là mấy chục. Những người mua lẻ chỉ là khách du lịch. Muốn ăn quà, mua trái cây thì cặp ghe xuồng nhỏ vào sát chiếc ghe bán hàng, rồi có thể leo sang thuyền hàng mà lựa mua rồi thưởng thức tại chỗ. Du khách còn được chứng kiến những màn “tung hứng” rau, củ, quả từ thuyền này sang thuyền khác vô cùng điệu nghệ.

Đối với những người mua bán lênh đênh trên sông nước miền Tây, chiếc ghe không chỉ là cửa hàng, mà còn là ngôi nhà di động của họ, mọi hoạt động mua bán, sinh hoạt của gia đình đều diễn ra trên ghe. Thế nên, chợ nổi không chỉ đơn giản là chợ, mà còn là nhà; không chỉ là văn hóa chợ, mà còn là nét sinh hoạt của bà con miệt sông nước miền Tây.

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CHỢ NỔI CÁI BÈ

Một trong các sản phẩm du lịch chủ đạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là tham quan chợ nổi. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chợ nổi là nguồn tài nguyên quý giá, đặc sản du lịch của vùng ĐBSCL bởi nét độc đáo không nơi nào có được. Ngoài ra, du lịch chợ nổi cũng góp phần làm đa dạng hóa các loại hình du lịch cho vùng.

Với những nét sinh hoạt độc đáo, chợ nổi Cái Bè là một trong những địa điểm du lịch Tiền Giang hấp dẫn, được đông đảo du khách trong nước và quốc tế ghé thăm. Và đây cũng là điểm du lịch được các công ty lữ hành khai thác mạnh, hầu như trong các hành trình du lịch về miền Tây đều có ít nhất một đến hai lịch trình khám phá chợ nổi Cái Bè.

Vào dịp tết, chợ nổi Cái Bè nhộn nhịp hơn, sắc màu hơn nhờ những loại hoa được mua bán trên sông.
Vào dịp tết, chợ nổi Cái Bè nhộn nhịp hơn, sắc màu hơn nhờ những loại hoa được mua bán trên sông.

Trước nguy cơ chợ nổi Cái Bè dần bị mai một do hệ thống giao thông đường bộ phát triển, cuối năm 2017, UBND huyện Cái Bè lập Đề án “Bảo tồn và phát huy Chợ nổi Cái Bè”.

Theo đó, sẽ giữ nguyên hiện trạng chợ nổi, nhưng có sự sắp xếp, quản lý, bố trí lại để đáp ứng các yêu cầu về an toàn giao thông thủy; vùng nước quy hoạch có chiều dài từ 400 - 500 m từ vàm Cái Bè đến kinh 28; đảm bảo số lượng ghe, tàu neo đậu cố định từ 100 - 150 chiếc và tiếp nhận 200 - 300 ghe, tàu neo đậu mua bán có tải trọng từ 20 - 60 tấn. Đồng thời, bảo tồn tối đa những giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của chợ nổi nhằm đáp ứng nhu cầu sinh kế của người dân và nhu cầu tham quan, mua sắm, ẩm thực của du khách.

Hiện nay, các công ty du lịch của tỉnh Tiền Giang đã xây dựng các tour du lịch đến chợ nổi Cái Bè kết hợp tham quan làng nghề truyền thống, các công ty lữ hành sẽ bố trí những chiếc đò nhỏ đưa khách qua những dòng kinh, rạch nhỏ đến thăm nhà cổ Ba Đức, đi chợ nổi Cái Bè, tham quan cảnh họp chợ trên sông, xem các món hàng treo trên cây bẹo ở đầu ghe để du khách sẽ trải nghiệm mua bán với các thương lái, qua đó tìm hiểu nét văn hóa mua bán trên sông rất đặc trưng của người dân Nam bộ; sau đó ghé lại các lò bún, bánh tráng, cốm ven sông để biết thêm vài nghề thủ công truyền thống ở nông thôn, tham quan vườn cây ăn trái, trải nghiệm nghỉ đêm ở làng cổ Đông Hòa Hiệp…

Có thể nói, chợ nổi Cái Bè cũng như những bến chợ khác, giờ đây tuy đã giảm bớt sự náo nhiệt của một chợ nổi mang đặc trưng trên bến dưới thuyền xưa kia, nhưng nó vẫn là một điểm trung chuyển hàng hóa của các thương lái và là điểm tham quan, khám phá thú vị cho những ai yêu mến miền Tây sông nước. Một khi đã đến với Tiền Giang mà không đến vùng đất trù phú Cái Bè, không đến tham quan chợ nổi Cái Bè, chưa đến làng cổ Đông Hòa Hiệp… sẽ là một thiếu sót khi du khách đến Tiền Giang...

LINH THỦY (tổng hợp)

 

.
.
.