Xây dựng tri thức từ văn hóa đọc
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4) được coi là ngày chung tay vun đắp cho phong trào đọc sách trong cộng đồng ngày càng phát triển, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững trong thời đại mới.
Ai cũng biết sách là kho tàng tri thức của nhân loại, là chiếc chìa khóa khai mở vùng đất tri thức và tâm hồn của con người. Việc phát triển văn hóa đọc là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại.
Học sinh Trường THCS Phú Đông, huyện Tân Phú Đông tham gia “Ngày hội Đọc sách và Vẽ tranh cho trẻ em” năm 2023. |
Đọc sách làm phong phú thêm kiến thức về khoa học, văn học, nghệ thuật, cũng như đời sống. Sách còn có tác dụng giải trí, giúp cho người đọc giải tỏa căng thẳng, áp lực trong công việc, học tập và có thêm vốn từ ngữ, những bài học về giá trị sống và rèn luyện nhân cách. Nhất là duy trì, phát triển văn hóa đọc lan tỏa đến đối tượng học sinh, giúp các em lĩnh hội các giá trị văn hóa, xã hội, dần dần phát triển kỹ năng giao tiếp thông tin, tiếp nhận tri thức, hình thành nhân cách đạo đức chuẩn mực.
Đồng thời, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, trước những trang mạng xã hội tràn lan những thông tin lệch lạc, phiến diện thì việc đọc sách có chọn lọc sẽ rất bổ ích, giúp học sinh tiếp nhận thông tin một cách thiết thực, đa chiều.
Thời gian vừa qua, tại các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, ngoài thư viện chung, nhà trường cũng đã xây dựng tủ sách nhỏ, thân thiện ngay trong lớp học, góc sân trường. Nhờ vậy, mỗi học sinh dễ dàng và chủ động lựa chọn thời gian đọc sách trong những lúc rảnh rỗi. Để nâng cao chất lượng văn hóa đọc, các thầy cô của trường còn hướng dẫn cho học sinh những kỹ năng đọc sách cơ bản cũng như định hướng cho học sinh cách chọn lựa những đầu sách hay, những cuốn sách bổ ích trang bị kiến thức cần thiết trong học tập và cuộc sống.
Bên cạnh đó, các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay diễn ra khá phong phú trên địa bàn tỉnh như: Ngày hội Đọc sách tại các trường học do Thư viện Tiền Giang, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức; trao tặng sách thực hiện công trình “Khu vườn tri thức xanh” trong hệ thống trường học trên địa bản tỉnh do Tỉnh đoàn tổ chức; Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thi Kể chuyện sách. Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện vận động các đơn vị tổ chức đợt phát hành sách giảm giá trên địa bàn tỉnh...
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Chí Định cho biết, để nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, nhà trường cần đưa hoạt động văn hóa đọc trở thành những nội dung ngoại khóa bổ ích tới các em học sinh. Bởi văn hóa đọc góp phần hình thành nhân cách học sinh, giúp các em phát triển toàn diện cả về giáo dục và trí dục. Những trang sách hay sẽ mở ra cho các em thế giới muôn màu, hướng các em biết yêu và cảm thụ cái đẹp.
Đồng thời, việc phát triển văn hóa đọc cho các em học sinh trong nhà trường chính là một trong những hoạt động, điều kiện quan trọng để đổi mới phương pháp dạy và học, giúp cho giáo viên, học sinh đến với sách, hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội học tập - một trong những mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
QUANG MINH