Thứ Sáu, 02/06/2023, 14:21 (GMT+7)
.

Xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu nhân dân

Quán triệt Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới (gọi tắt là Nghị quyết 23), ngày 9-10-2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang có Chương trình hành động 26 để tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ tỉnh; đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ

Trên cơ sở đó, ngày 11-11-2008, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh có Kế hoạch 511 về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Tiền Giang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật, Hội Nhà báo tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh mở 3 lớp nghiên cứu Nghị quyết 23, Chương trình hành động 26 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành văn hóa, văn nghệ và đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ của tỉnh; tổ chức 2 cuộc tọa đàm với chuyên đề “Thấm nhuần Nghị quyết 23, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao sức sáng tạo văn học, nghệ thuật của văn nghệ sĩ Tiền Giang”.

Biển diễn chương trình “ Dạ khúc tri âm” tại Rạp hát Thầy Năm Tú (TP. Mỹ Tho).                                                         Ảnh: GIA TUỆ
Biển diễn chương trình “Dạ khúc tri âm” tại Rạp hát Thầy Năm Tú (TP. Mỹ Tho). Ảnh: GIA TUỆ

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản có liên quan đến lĩnh vực văn học, nghệ thuật để lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng các hoạt động đúng với đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, như: Đề án Phát triển văn học, nghệ thuật Tiền Giang giai đoạn 2014 - 2024; Đề án Bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2020; tổ chức các cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật cấp tỉnh như: Giải thưởng Văn học, nghệ thuật Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân; Giải thưởng Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Giải báo chí cấp tỉnh về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng)…

Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh còn thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 23 và Chương trình hành động 26 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban Chỉ đạo thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức các đơn vị trực thuộc; mạnh dạn thay đổi phương thức quản lý, chú trọng mục tiêu phát triển cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả về mặt xã hội của tác phẩm, khắc phục xu hướng hành chính hóa hoạt động văn học, nghệ thuật.

 NHỮNG CHUYỂN BIẾN SAU 15 NĂM   

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23, sự đoàn kết, thống nhất trong hội viên và đội ngũ văn nghệ sĩ được củng cố và tăng cường, tạo động lực trong sáng tạo nghệ thuật. Tiền Giang tiếp tục đổi mới phương thức và nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đối với hoạt động văn học, nghệ thuật; quan tâm bồi dưỡng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, đặc trưng của văn học, nghệ thuật cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, cán bộ trực tiếp chỉ đạo, quản lý lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Hoạt động văn học, nghệ thuật được triển khai sâu rộng và có bước phát triển, số lượng tác phẩm được sáng tác tăng lên và ngày càng phong phú, đa dạng hơn, đội ngũ văn nghệ sĩ phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng trong việc ổn định đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Phong trào sáng tác luôn được duy trì và phát triển bằng nhiều hình thức, thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác cho văn nghệ sĩ; tổ chức các cuộc thi, trưng bày triển lãm, biểu diễn, đầu tư sáng tác, mở trại sáng tác... Hằng năm, có từ 500 đến 700 tác phẩm trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của công chúng nhằm xây dựng con người, hướng con người đến chân - thiện - mỹ trên các lĩnh vực, như: Công tác sưu tầm văn nghệ sân gian, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, múa, kiến trúc...

Trong 15 năm qua, đã xuất bản trên 100 đầu sách, phát hành 90 số Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang với 450.000 cuốn; tổ chức trên 50 cuộc thi; 30 cuộc triển lãm với hơn 2.000 tác phẩm; giới thiệu tác giả - tác phẩm; dàn dựng - biểu diễn trên 100 cuộc (gồm ca khúc, vọng cổ, chập cải lương, trích đoạn cải lương). Công tác xuất bản sách luôn được quan tâm đầu tư bằng nhiều hình thức; trong đó, xuất bản nhiều đầu sách có giá trị như: Tuyển tập truyện ngắn Tiền Giang, Tuyển tập thơ Tiền Giang, Tuyển tập Ca khúc Tiền Giang, Tuyển tập lý luận phê bình văn học nghệ thuật Tiền Giang…

Công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn học, nghệ thuật được quan tâm nhiều hơn nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều đề tài nghiên cứu đã được hội đồng khoa học các cấp nghiệm thu và triển khai ứng dụng vào thực tiễn; công tác tôn tạo bảo tồn các di sản văn hóa, di tích lịch sử luôn được quan tâm đầu tư thực hiện; nhiều hiện vật về văn học, nghệ thuật được sưu tập, trưng bày tại Bảo tàng của tỉnh.

Triển lãm tranh, ảnh được tổ chức thường xuyên phục vụ các sự kiện lớn của tỉnh; tuyển chọn và gửi các tác phẩm tiêu biểu tham gia triển lãm khu vực, quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, các ngành, các địa phương còn được hỗ trợ tổ chức trưng bày, triển lãm các tác phẩm tranh, ảnh phục vụ các sự kiện chính trị, hoạt động văn hóa. Đồng thời, tổ chức các chương trình phổ biến tác phẩm văn hóa, nghệ thuật thông qua các buổi biểu diễn sân khấu; phát thanh, truyền hình, hội thi, dàn dựng chương trình giới thiệu tác giả - tác phẩm; Ngày thơ Việt Nam...

Để tạo ra phong trào thi đua thúc đẩy đội ngũ văn nghệ sĩ trau dồi chuyên môn, nghề nghiệp tạo ra những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị; từ năm 2011 đến nay, có trên 20 cuộc thi được tổ chức cho các ngành văn học, nghệ thuật, tiêu biểu như: Cuộc thi “Sáng tác văn học - nghệ thuật đề tài học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đăng cai triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016, Cuộc thi thơ chào mừng 40 năm giải phóng miền Nam và 30 năm đổi mới, Cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang, Cuộc thi Thơ trẻ lần thứ 3, Cuộc thi Mỹ thuật Tiền Giang hằng năm, Cuộc thi Nhiếp ảnh nghệ thuật hằng năm. Đồng thời, tổ chức xét tặng Giải thưởng văn học, nghệ thuật Thủ Khoa Huân (định kỳ 5 năm một lần).

Thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử và chủ trương “Sáng đèn Rạp hát Thầy Năm Tú”, từ năm 2015 - 2017, Hội Văn học - Nghệ thuật kết hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tập hợp trên 500 tài tử trong và ngoài tỉnh, xây dựng 30 trích đoạn cải lương, tổ chức trên 100 buổi biểu diễn giao lưu đờn ca tài tử, thu hút đông đảo tài tử và khán giả mộ điệu đến biểu diễn giao lưu, góp phần khơi dậy mạnh mẽ phong trào đờn ca tài tử của tỉnh.

Từ tháng 5-2017 đến nay, định kỳ vào tối ngày 17 hằng tháng, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh tổ chức biểu diễn miễn phí Chương trình nghệ thuật “Dạ khúc tri âm” thu hút đông đảo người dân đến xem; nhằm góp phần bảo tồn, phát huy nghệ thuật cải lương của tỉnh, nơi được xem là cái nôi của sân khấu cải lương Nam bộ.

Câu lạc bộ Đờn ca tài tử và Cải lương hoạt động rất mạnh nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Đề án “Phát triển Đờn ca tài tử của tỉnh Tiền Giang”, tổ chức định kỳ vào mỗi tối thứ 6 hằng tuần, mỗi đêm thu hút trên 50 tài tử trong và ngoài tỉnh đến giao lưu; đồng thời, đã tổ chức 3 kỳ Liên hoan ca cảnh không chuyên cho các diễn viên quần chúng yêu thích cải lương, góp phần làm sôi nổi không khí cải lương trong tỉnh.

Theo đánh giá, qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23, tư duy lãnh đạo và quản lý văn học, nghệ thuật ngày càng được đổi mới. Văn học, nghệ thuật của Tiền Giang đã khẳng định vị thế trong đời sống xã hội, tạo được chỗ đứng vững chắc trong nền văn học, nghệ thuật của cả nước; tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống tinh thần của nhân dân; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ, đánh thức tiềm năng sáng tạo văn học, nghệ thuật của quần chúng.

Công tác nghiên cứu, sưu tầm bảo tồn và phát huy giá trị văn học, nghệ thuật được quan tâm nhiều hơn nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều đề tài nghiên cứu đã được hội đồng khoa học các cấp nghiệm thu và triển khai thực hiện. Hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp có bước phát triển mới, phát huy được sứ mệnh văn nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, thể hiện vững vàng về quan điểm, lập trường, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người cầm bút, tích cực phê phán cái sai, cái lạc hậu, cổ vũ hướng tới cái chân - thiện - mỹ trong hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật…

TẤN QUÂN

.
.
.