.

Phim truyền hình Việt và "cơn khát" kịch bản

Cập nhật: 20:02, 20/08/2023 (GMT+7)
Thị trường phim truyền hình cả nước đang cho thấy sự sôi động khi nhiều tác phẩm mới được sản xuất, lên sóng liên tục. Nhưng để có được những tác phẩm hay lại không phải chuyện dễ dàng, nhất là khi các kịch bản vừa mới vừa hay đang ngày càng khó tìm.

Chật vật tìm nét lạ

Cùng lúc, trên màn ảnh nhỏ có đến 2 phim chủ đề người cha với môtíp hao hao. Đó là Món quà của cha (đạo diễn Vũ Minh Trí, trên VTV3) và Bống thời 4.0 (đạo diễn Nguyễn Quang Minh, trên HTV7). Hai người cha trong 2 phim đều cảnh gà trống nuôi 3 con, có công việc đặc biệt như đóng quan tài, vớt xác chết đuối (Món quà của cha), hay kho cá bống gia truyền (Bống thời 4.0).

Cũng đi tìm nét mới lạ, Nhà mình lạ lắm! (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ) xoay quanh gia đình đặc biệt của Thanh Mỹ, cô bé 8 tuổi mất hết ký ức và người thân sau một vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Người thân duy nhất còn lại của cô bé đã nhờ người đóng giả một gia đình với đủ các thành viên như cũ. Những tình huống bất bình thường trong một gia đình có vẻ bình thường đã tạo nên một sự thu hút rất riêng cho bộ phim.

Phim
Phim "Nhà mình lạ lắm!" được khán giả chú ý do có cốt truyện mới lạ Ảnh: ĐPCC

Một sắc màu khác trên màn ảnh nhỏ là Khu vườn bí mật (đạo diễn Đặng Minh Quốc). Lấy đề tài thiếu nhi hiếm hoi, phim là câu chuyện về anh em Lam Trường, Mỹ Tâm từ quê lên thành phố. Hành trình khám phá cuộc sống thành thị của trẻ thơ trong phim giúp người lớn quay về thế giới hồn nhiên luôn bị chôn giấu bởi những áp lực lo toan, để được cười, khóc và quan trọng nhất là cảm thấy bình yên trong tâm hồn.

Theo đạo diễn Đặng Minh Quốc, điều khiến anh suy nghĩ nhiều nhất là tiết tấu và cách kể câu chuyện. “Tôi muốn tiết tấu, nhịp phim nhanh, gọn, kết hợp với những trào lưu của các bạn nhỏ hiện nay, sử dụng từ ngữ hiện đại, gần gũi với độ tuổi của các bé. Có thể nói, đây là sự thay đổi lớn so với những bộ phim thiếu nhi tôi từng thực hiện”, anh chia sẻ.

Ngoài nội dung, một điểm mới khác là diễn viên. Bên cạnh các gương mặt quen thuộc, một số dự án phim truyền hình gần đây mời những “hiện tượng” mạng xã hội như một cách thu hút khán giả. Đó là Lê Bống trong Nhà mình lạ lắm!, hay Khương Dừa, Cú Đấm Thép trong Bống thời 4.0.

Đạo diễn Nguyễn Quang Minh lý giải: Đây là những bạn rất yêu nghệ thuật. Việc tham gia phim ảnh cho thấy các bạn mong muốn có được những vai diễn tử tế, có tính cách, nhân vật hoàn chỉnh.

Kịch bản - “bài toán” muôn thuở

Theo biên kịch Mỹ Hà (tác giả các tác phẩm Dốc sinh tồn, Hạnh phúc muộn màng, Vòng vây hoa hồng, Cuộc chiến quý ông, Cung đường tội lỗi, Đánh cắp giấc mơ, Tình yêu lừa dối…), nhiều dự án phim truyền hình được sản xuất rầm rộ trở lại, nhiều phim lên sóng được quan tâm là tín hiệu đáng mừng cho giới làm phim. Tuy nhiên, cơ hội luôn song hành thách thức, buộc đội ngũ làm phim phải nhìn nhận, dõi theo những chuyển dịch mạnh từ đề tài đến kỹ thuật quay, dựng… trên phim ảnh nước ngoài, nhất là Hàn Quốc. Thành bại của phim truyền hình nằm ở kịch bản.

Dẫu giới biên kịch Việt hiện có nhiều phương tiện học hỏi kỹ thuật, chuyên môn, tiếp nhận mỹ cảm và mở rộng nhân sinh quan để triển khai tốt kịch bản, nhưng vấn đề còn lại là nhà sản xuất, biên kịch dành bao nhiêu thời gian và năng lực nghiêm túc để thai nghén, thành hình một kịch bản chỉn chu. Đồng thời, nhà sản xuất nhìn nhận sự quan trọng của kịch bản ra sao, tương ứng với vai trò biên kịch được xem trọng thế nào?

"Khu vườn bí mật" là phim hiếm hoi về đề tài thiếu nhi. Ảnh: ĐPCC

“Thách thức lớn nhất được nhiều nhà sản xuất chia sẻ là họ luôn có những cơn khát tìm kiếm những kịch bản tốt, đậm chất Việt. Họ cho rằng đội ngũ biên kịch Việt Nam thiếu và yếu nên việc triển khai các dự án Việt hóa từ phim nước ngoài được xem như một bước đi an toàn”, biên kịch Mỹ Hà nêu quan điểm.

Kịch bản cũng được đạo diễn Đặng Minh Quốc xem là thách thức lớn: “Tôi kết nối nhiều biên kịch, nhóm biên kịch, nhưng gần như không ai có sẵn kịch bản đề tài thiếu nhi. Vì thị trường không có nhu cầu nên các biên kịch cũng không mặn mà lắm với thể loại này”.

Phân tích sâu hơn ở khía cạnh kịch bản, theo chị Mỹ Hà, trong xu hướng thế giới phẳng với đa dạng loại hình giải trí, khán giả chỉ dành thời gian với những gì hấp dẫn, chạm sâu vào cảm xúc của họ. Do đó, khán giả Việt luôn thích những cung bậc hỷ, nộ, ái, ố, rung động với những câu chuyện thuần Việt, các vấn đề gần gũi mỗi ngày. Ở đó có những cuộc tranh đấu giữa các quan điểm, thái độ sống mâu thuẫn, trái ngược nhau của con người hôm nay. Các chi tiết, tình huống sống động, đời thường với những thông điệp mang nhiều ý nghĩa xã hội, là chìa khóa biên kịch cần “giải mã” trên trang viết của mình.

Biên kịch Thanh Hương cũng nhấn mạnh, nhà biên kịch chỉ có một cách duy nhất là sáng tạo. “Sáng tạo như thế nào để được khán giả chấp nhận, chấp nhận rồi mới trân trọng, tùy thuộc vào kiến thức, năng khiếu, tầm quan sát và tài thể hiện kịch bản của mỗi nhà biên kịch”, chị nói.

Điều này cũng là trăn trở của biên kịch Nguyễn Thị Anh Đào: “Đã từng có những bộ phim làm về nghề làm nhang, làm chiếu, làm gốm... Và đây là lần đầu tiên món cá bống kho tộ lên phim. Hơn nữa, cá bống vốn sống ở rạch, đầm lầy, gợi ta liên tưởng đến hình ảnh người cha thầm lặng, hy sinh, luôn chọn công việc vất vả về phần mình”.

Và khi đã có trong tay kịch bản tốt, việc làm tiếp theo của các nhà sản xuất là “liệu cơm gắp mắm” trong kinh phí giới hạn, có những cách thể hiện tươi mới, thu hút. Điều này phụ thuộc rất lớn vào năng lực kể chuyện của đạo diễn cùng nội lực của diễn viên.

Biên kịch MỸ HÀ:

Kịch bản hay quyết định một bộ phim hay

Kinh phí ít không thể giết chết một bộ phim với kịch bản tuyệt vời. Kinh phí ít chỉ buộc nhà sản xuất và đạo diễn phải động não, làm cách nào để khán giả không quan tâm đến bối cảnh, chỉ quan tâm đến nhân vật, câu chuyện.

Kinh phí ít không buộc các diễn viên ngừng nỗ lực cho vai diễn. Kinh phí ít cũng không buộc khán giả ngừng yêu một bộ phim mang quá nhiều cảm xúc cho họ, phải không?

Bà VŨ THỊ BÍCH LIÊN, Giám đốc Điều hành Tổ hợp giải trí và truyền thông Mega GS:

Giữ khán giả tiếp tục theo dõi là thành công lớn nhất của phim truyền hình

Đề tài nào cũng ăn khách. Tất cả phụ thuộc vào cách kể câu chuyện. Đầu tiên, nó đòi hỏi sự khéo léo của biên kịch. Kế đến là bàn tay nhào nặn của đạo diễn. Và cuối cùng là diễn xuất của diễn viên.

Diễn viên nếu không diễn tốt, đạo diễn cũng không thể làm gì được. Riêng với phim truyền hình, để thu hút khán giả theo dõi qua mỗi tập đòi hỏi cách xử lý khéo léo của đạo diễn. Do đó, mỗi tập khi quay, dựng phải có cái gì đó để khán giả xem được, xem tiếp.

Đại diện VFC cho biết, mỗi năm VFC sản xuất khoảng 500 tập phim, tương đương 8-12 bộ phim; có những bộ phim thời lượng hơn 100 tập như Hương vị tình thân (136 tập).

Còn theo đạo diễn Phạm Việt Phước, Giám đốc Hãng phim Truyền hình TPHCM (TFS), hiện mỗi năm đơn vị được giao sản xuất 4 bộ phim, với độ dài trung bình 30 tập/phim, phát sóng khung giờ 19 giờ 35 trên kênh HTV7, từ thứ hai đến thứ tư hàng tuần.

Khung giờ 19 giờ 45 hàng ngày trên kênh phim Việt SCTV14 mỗi năm phát sóng khoảng 12 bộ phim. Trong đó, Hãng phim 1 - SCTV sản xuất được khoảng 3-4 bộ phim, số lượng còn lại do các hãng phim tư nhân sản xuất theo thỏa thuận hợp tác.

Tại thị trường phía Nam, một số hãng phim tư nhân vẫn sản xuất phim đều đặn có: MT Pictures, Hoàng thần tài, Mega GS, Vietstar… Ngoài phim truyền hình truyền thống, các đơn vị như VieON, K+, Galaxy Play… cũng sản xuất các phim bộ độc quyền phát sóng trên các nền tảng trực tuyến của mình.

(Theo www.sggp.org.vn)
 


 

 

 

.
.
.