Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân: Người Anh hùng sống mãi trong lòng dân
Tấm lòng yêu nước, thương dân, tinh thần kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm của Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân mãi là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng “Một lòng đền nợ nước non/ngàn năm vẫn đỏ tim son anh hùng”.
Đã thành lệ, cứ đến ngày 14-4 âm lịch hằng năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, tổ chức Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, nhằm tri ân, bày tỏ tấm lòng thành kính đối với những cống hiến, hy sinh của ông cho non sông, đất nước.
Các em học sinh viếng mộ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân nhân Lễ giỗ lần thứ 149 năm của ông. |
Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân sinh năm 1830, tại làng Tịnh Hà, phủ Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Ông là một sĩ phu yêu nước. Năm 1852, dưới triều Vua Tự Đức, ông đỗ thủ khoa kỳ thi hương tại Gia Định, nên được gọi là Thủ khoa Huân. Ông được bổ làm chức Giáo thụ tại huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường.
Nửa sau thế kỷ thứ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ nhất với những chính sách cai trị rất tàn bạo. Trong khi triều đình Huế thỏa hiệp cầu hòa và ký Hiệp ước Nhâm Tuất (5-6-1862) với thực dân Pháp thì phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta ngày càng diễn ra quyết liệt, với lòng yêu nước sâu sắc, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân đã liên kết với các sĩ phu yêu nước như: Võ Duy Dương, Trương Định... chiêu mộ nghĩa quân, đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp.
Giai đoạn từ năm 1861 - 1864, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân đã tổ chức nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Sau nhiều lần bị địch bắt, tù đày khổ sai và tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc nhưng ông vẫn bền gan vững chí, giữ trọn tấm lòng sắt son với quê hương, đất nước.
Không thể làm lung lai được ý chí của ông, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân bị thực dân Pháp bắt và xử chém tại ngã tư Tịnh Hà, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo vào ngày 19-5-1875 (tức ngày 14-4-1875 âm lịch). Tuy sự nghiệp cứu nước chưa thành, nhưng Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân là một trong những nhà lãnh đạo lớn trong phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp kéo dài trong nhiều năm, có tiếng vang khắp Nam kỳ lục tỉnh và trong cả nước nửa sau thế kỷ XIX.
Theo Bảo tàng tỉnh Tiền Giang, sau khi ông mất, hai người con gái của ông đã lập mộ cho ông bằng đất, nay được làm lại bằng đá xanh. Phần đá của ngôi mộ rộng 4m2, hình voi phục có chạm hoa văn. Ngày 15-6-1987, Di tích Mộ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. |
Tại Lễ giỗ lần thứ 149 của ông, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Phạm Hùng Vinh khẳng định: “Tinh thần yêu nước và cuộc đời, sự nghiệp của Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân góp phần làm rạng rỡ thêm trang sử vẻ vang chống giặc ngoại xâm còn mãi lưu danh cùng quê hương, đất nước.
Ông đã để lại cho đời sau tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân và ý chí bất khuất, kiên cường, sẵn sàng hy sinh quên mình vì dân, vì nước...
Đồng thời, đề nghị các ban, ngành có liên quan của huyện cùng chính quyền địa phương tiếp tục chăm sóc, bảo vệ để lưu dấu Khu di tích lịch sử Đền thờ Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ”.
Em Nguyễn Yến Nhi, học sinh Trường THPT Thủ Khoa Huân, huyện Chợ Gạo chia sẻ: “Em cảm thấy vinh dự khi được sinh ra và lớn lên trên vùng đất quê hương anh hùng và càng thêm tự hào khi là học sinh của ngôi trường mang tên người Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân. Chúng em sẽ ra sức học tập, rèn luyện tốt hơn nữa để sau này lớn lên góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng cuộc đời chiến đấu kiên cường, bất khuất của ông vẫn còn vang vọng khắp non sông, đất nước, là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, thương dân và tinh thần căm thù giặc sâu sắc, chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
HẢI ĐĂNG