Bài cuối: Đi tìm lời giải
Bài 1: Quyết tâm của tỉnh
Bài 2: Nỗ lực từ chính doanh nghiệp
Bài cuối: Đi tìm lời giải
Song hành với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh và sự ra đời của các khu, cụm công nghiệp đã kéo theo số lượng công nhân làm việc trên địa bàn tỉnh cũng tăng lên rất nhanh. Chính vì vậy, đi tìm lời giải cho “bài toán” nhà ở cho công nhân cũng ngày càng mang tính cấp thiết hơn.
Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện nay, số lượng công nhân đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh hơn 80.000 người. Trong đó, số lượng công nhân thuê trọ ở các khu nhà trọ do tư nhân tự xây cất chiếm gần 40%. Hiện tại, TP. Mỹ Tho và huyện Châu Thành là 2 địa phương có số lượng công nhân thuê nhà trọ nhiều nhất, với khoảng 20.000 người. Điều kiện sinh sống của đa số công nhân trong các khu nhà trọ khá khiêm tốn, không đảm bảo về an ninh trật tự và có nhiều ảnh hưởng đến môi trường. Thực tế cho thấy, nhu cầu về nhà ở của công nhân hiện nay vẫn còn rất lớn. Chưa kể theo dự kiến đến năm 2020, nhu cầu lao động cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 121.000 lao động, thu hút một lượng lớn lao động từ nông, lâm, ngư nghiệp dẫn đến nhu cầu nhà ở càng bức bách hơn.
Với quyết tâm của tỉnh, vấn đề nhà ở cho công nhân sẽ sớm được giải quyết. |
Trước bức tranh chung như thế, ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho biết, xuất phát từ nhu cầu thực tế về nhà ở của công nhân, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng Đề án xây dựng các thiết chế Công đoàn, trong đó có xây dựng nhà ở công nhân và đã được Chính phủ chấp thuận. Tiền Giang là 1 trong 3 địa phương của cả nước được Tổng LĐLĐ Việt Nam chọn đầu tư thí điểm thực hiện đề án này, với toàn bộ vốn đầu tư từ ngân sách của Tổng LĐLĐ là 416 tỷ đồng.
Để triển khai thực hiện đề án, tỉnh đã giới thiệu khu đất có diện tích khoảng 3 ha để Tổng LĐLĐ Việt Nam mời gọi cho thiết kế. Hiện tại, thiết kế bố trí mặt bằng tổng thể cũng như mô hình những căn hộ cho công nhân đã thực hiện xong, với diện tích mỗi căn hộ công nhân dao động từ 30 - 50 m2. Dự kiến, dự án này sẽ được triển khai xây dựng trong 2 năm (2017 - 2018). Trong đó, khu nhà ở công nhân sẽ đáp ứng về nhà ở cho khoảng 3.500 công nhân trong tỉnh theo hình thức bán và cho thuê. Khi các khu thiết chế Công đoàn được xây dựng hoàn thành đi vào hoạt động, ngoài việc công nhân trong tỉnh được mua nhà, thuê nhà với giá phù hợp với thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân cũng được quan tâm, hỗ trợ thông qua việc hưởng thụ từ các công trình phúc lợi của các thiết chế Công đoàn đầu tư xây dựng.
Theo tính toán sơ bộ, bình quân giá bán căn hộ cho công nhân chỉ khoảng 4 triệu đồng/m2. Như vậy, giá bình quân mỗi căn hộ công nhân khoảng 150 triệu đồng. Nếu công nhân mua căn hộ theo hình thức trả góp sẽ được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay với thời hạn vay 10 năm và lãi suất chỉ khoảng 4,8%/năm (tương đương 0,4%/tháng). Theo tính toán của ông Hiền, số tiền mỗi tháng công nhân trả góp chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng. Riêng đối với các căn hộ cho thuê, mặc dù chưa có quy định về giá cho thuê, nhưng theo chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam thì chỉ lấy theo giá khấu hao để có chi phí tái đầu tư bổ sung, chứ không áp dụng theo giá kinh doanh cho thuê. Ngoài ra, công nhân còn được hưởng thụ miễn phí hoàn toàn từ các thiết chế Công đoàn khác như: Siêu thị, nhà trẻ, trạm y tế, trung tâm thể thao, công viên… “Tiêu chí ưu tiên để công nhân được xét mua căn hộ là phải gặp khó khăn nhất về nhà ở, không phân biệt công nhân của bất kỳ DN nào. Tất cả mọi công nhân trong tỉnh gặp khó khăn về nhà ở, thực sự có nhu cầu về nhà ở và đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chí đưa ra đều được xét để mua căn hộ”- ông Hiền nói.
Theo quan điểm của ông Hiền, tổ chức Công đoàn rất hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ các DN quan tâm chăm lo đời sống công nhân, trong đó có việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, trong tình hình thực tế hiện nay, mỗi DN chỉ xây dựng nhà ở cho công nhân của DN mình là ít hiệu quả. Chưa kể, nếu DN nào của tỉnh cũng xin cấp đất để xây dựng nhà ở cho công nhân thì không có cách nào tỉnh có thể đáp ứng hết được. Do đó, việc xây dựng nhà ở công nhân cần được đầu tư tập trung để giải quyết tổng thể, căn cơ hơn. “Theo điều tra xã hội học của LĐLĐ tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.468 công nhân đang có nhu cầu mua nhà, với 1.000 căn hộ được xây dựng từ Đề án xây dựng các thiết chế Công đoàn mà Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ triển khai thực hiện ở Tiền Giang hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở của công nhân hiện nay” - ông Hiền khẳng định.
Khi đề cập đến chủ trương của tỉnh cũng như vấn đề nhà ở cho công nhân, ông Trần Đỗ Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đánh giá cao sự quan tâm đặc biệt, bài bản, cụ thể của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với sự phát triển của doanh nhân, DN trong thời gian qua. Đặc biệt là qua các lần UBND tỉnh tổ chức đối thoại với DN, nhiều vấn đề đã được lãnh đạo tỉnh giải quyết rất nhanh. Tất nhiên cũng còn một số vấn đề mang tính lịch sử liên quan đến đất đai, việc đấu giá đất hay vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân... chưa đáp ứng được mong mỏi của DN. Chẳng hạn liên quan đến vấn đề quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân nhưng do DN trực tiếp xây dựng, trong đó có đất do DN tự mua xây dựng và DN xin quỹ đất công. Thực tế cho thấy, những tồn tại liên quan đến vấn đề này là do những quy định của pháp luật hoặc quỹ đất không nằm trong quy hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân. Do đó, phạm vi của lãnh đạo tỉnh không thể giải quyết theo ý của DN mà phải xin ý kiến của Trung ương. Chưa kể hiện tại số lượng DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh rất lớn (cả trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp) nên nguồn lực để xây dựng nhà ở đảm bảo tiện nghi cho công nhân của mỗi DN cũng không phải dễ. Do đó, phải có quy hoạch xây dựng khu nhà ở cho công nhân song hành với các khu chức năng khác. “DN nào vướng mắc về vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân trước mắt cần trao đổi, cung cấp thông tin về nhu cầu nhà ở công nhân cho cơ quan Nhà nước để đưa vào dự án xây dựng phù hợp đúng với quy hoạch”- ông Liêm cho biết.
HỮU NGHỊ - PHƯƠNG ANH