.

Công nghệ thông tin: "Chìa khóa" cho cải cách thủ tục hành chính

Cập nhật: 20:00, 09/11/2017 (GMT+7)

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan Nhà nước (NN) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những bước tiến quan trọng, tập trung cho nhiệm vụ cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử.

aa
Ứng dụng CNTT tại Sở Thông tin và Truyền thông.

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, ứng dụng CNTT của các cơ quan NN có nhiều chuyển biến nhờ được đầu tư và phát triển với những ứng dụng dùng chung của tỉnh, các ứng dụng chuyên ngành phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ở các cấp, góp phần thực hiện cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và mang lại kết quả quan trọng. Chẳng hạn như Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh được nâng cấp và triển khai đồng bộ tại 100% sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, thị, thành; là công cụ trao đổi thông tin giữa các cơ quan, cũng như các cán bộ, công chức (CBCC) thông suốt, an toàn, hiệu quả, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Theo đó, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 7.234 hộp thư điện tử được cấp phát, đạt tỷ lệ 90% CBCC, với tỷ lệ khoảng 80% CBCC thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử.

Thời gian qua, phần mềm Quản lý văn bản và điều hành cũng được triển khai theo mô hình quản lý tập trung tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu (THDL) và đưa vào sử dụng chính thức ở 49 sở, ban, ngành tỉnh; 11 UBND cấp huyện, thị, thành; 173 đơn vị cấp xã và đã triển khai mở rộng cho một số cơ quan ngành dọc, cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh. Phần mềm này hiện đã cho phép gửi liên thông tất cả các sở, ngành, cơ quan NN cấp huyện, cấp xã đồng thời thực hiện ký số và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông, không gửi văn bản giấy đối với một số loại văn bản theo quy định như: 100% văn bản không mật trình UBND tỉnh dưới dạng điện tử (gồm văn bản trình song song cùng văn bản giấy); 80% các hồ sơ, văn bản trao đổi giữa các cơ quan NN được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử; 20% các hồ sơ, văn bản trao đổi giữa các cơ quan NN dưới dạng điện tử kèm văn bản giấy; 90% văn bản, tài liệu lưu trữ được số hóa phục vụ tra cứu, tìm kiếm và xử lý thông tin. Ngoài ra, hệ thống phần mềm đã triển khai bổ sung một số chức năng như: Theo dõi chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh đối với các sở, ngành; UBND cấp huyện, thị, thành và cấp xã (module chỉ đạo điều hành); Chức năng Quản lý phòng họp (module họp không giấy) giúp quản lý họp và theo dõi kết quả thực hiện thông báo kết luận cuộc họp.

Hạ tầng kỹ thuật CNTT được cải thiện

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay tất cả các cơ quan hành chính NN cấp tỉnh, cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh đã được trang bị máy tính đáp ứng nhu cầu công việc. Tỷ lệ máy tính/CBCC đạt 1 máy/CBCC (đối với cấp tỉnh, huyện); đạt 0,7 máy/CBCC (đối với cấp xã); tỷ lệ máy tính kết nối Internet/tổng số máy tính đạt 96%. Bên cạnh đó, 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành đã xây dựng và vận hành mạng nội bộ (LAN), kết nối Internet băng rộng; 11/11 huyện, thị, thành có các phòng, ban kết nối với mạng LAN.

Bên cạnh đó, mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và NN kết nối từ các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị, thành với Bộ, ngành Trung ương vận hành thông suốt ổn định đáp ứng cho việc triển khai các ứng dụng dùng chung, hội nghị truyền hình, các ứng dụng chuyên ngành... đảm bảo 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành kết nối với mạng diện rộng (WAN) của tỉnh bằng đường truyền số liệu chuyên dùng tốc độ cao, tăng cường bảo mật thông tin, kết nối ổn định đáp ứng cơ bản sử dụng vận hành các hệ thống thông tin đã triển khai. Hiện tại có 219 điểm kết nối, có tốc độ đường truyền tối thiểu là 4Mb. Trung tâm THDL tỉnh được đầu tư nâng cấp và trang cấp các thiết bị bảo mật.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng chữ ký số cũng đã được triển khai ở một số cơ quan, đơn vị, đến nay đã cấp 412 chữ ký số (bao gồm 393 đơn vị, 19 chữ ký số cá nhân); tổ chức 14 lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng cho hơn 300 CBCC, viên chức về quản lý, sử dụng chứng thư số, chữ ký số cho quản trị mạng và văn thư các sở, ban, ngành tỉnh; UBND cấp huyện, thị, thành và cấp xã. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện đưa ứng dụng chữ ký số vào gửi liên thông văn bản điện tử trên Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành. Thực tế cho thấy, việc triển khai ứng dụng chữ ký số đã phát huy hiệu quả sử dụng, góp phần đẩy mạnh tăng cường trao đổi, sử dụng văn bản điện tử qua môi trường mạng.

Trong khi đó, Phần mềm Một cửa điện tử đã được triển khai theo mô hình quản lý tập trung tại Trung tâm THDL tỉnh và đưa vào sử dụng chính thức tại 11/11 UBND huyện, thị, thành và 173/173 xã, phường, thị trấn trên 6 lĩnh vực: Hành chính tư pháp, đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng, lĩnh vực người có công, bảo trợ xã hội, lĩnh vực đất đai. Bước đầu phần mềm mang lại nhiều hiệu quả như: Hầu hết các quy trình, thủ tục hành chính đã được cập nhật vào phần mềm, phục vụ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, phục vụ người dân và doanh nghiệp tra cứu tình trạng hồ sơ qua mạng một cách tiện lợi, góp phần giảm thiểu thời gian, chi phí, giảm tình trạng hồ sơ trễ hẹn. Tính đến nay, tổng số hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả qua phần mềm Một cửa điện tử là 61.152 hồ sơ; tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn 75%, không có hồ sơ trễ hạn.

Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT cũng được triển khai ở một số chuyên ngành khác, với một số phần mềm như: Quản lý CBCC; Quản lý chuyên ngành tài nguyên môi trường; Quản lý tư pháp, hộ tịch; Quản lý đất đai; Quản lý tàu cá; Quản lý kế toán - tài chính, quản lý tài sản; Quản lý dạy nghề; Quản lý giá cả hàng hóa và dịch vụ; Báo cáo thống kê tài chính; Tổng hợp thông tin tính chỉ số ICT Index (Sở Tài chính); Thống kê dữ liệu quan trắc; Quản lý bệnh viện tuyến tỉnh; Quản lý đoàn viên và thi trắc nghiệm trực tuyến; Cấp đổi giấy phép lái xe; Quản lý điểm học sinh được triển khai và áp dụng tại các cơ quan, đơn vị. Nhìn chung, các phần mềm ứng dụng chuyên ngành được ứng dụng rộng rãi ở các đơn vị trên địa bàn tỉnh, bước đầu phát huy hiệu quả trong hoạt động quản lý và điều hành. Tuy nhiên, đa phần các phần mềm chuyên ngành mới chỉ được thực hiện riêng lẻ tại các cơ quan, đơn vị, chưa được triển khai đồng bộ, chưa có sự tích hợp, chia sẻ thông tin giữa các ngành.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhất định thông qua ứng dụng CNTT trong các cơ quan NN nhưng theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức thì sức ỳ trong CBCC vẫn còn lớn. Chính vì vậy, trong thời gian tới việc ứng dụng CNTT trong cơ quan NN cần có nhiều chuyển biến tích cực hơn, trước tiên cần chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho các sở, ngành và tập trung đầu tư, ứng dụng CNTT một số ngành trọng điểm như: Y tế, Giáo dục, Công an...

NHÓM PVKT

.
.
.