Sáp nhập Sở, ngành: Cớ gì còn phải lăn tăn?
Bộ Nội vụ vừa tiếp tục công bố Dự thảo Tờ trình về việc hoàn thiện Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tinh thần của Nghị định rất tiến bộ khi đề xuất sáp nhập sở Tài chính, KH&ĐT, Sở GTVT và Sở Xây dựng, Kiến trúc… cũng được sáp nhập. Dự thảo nghị định đã tuân theo nguyên tắc giảm đầu mối cơ quan để tinh giản biên chế. Nhưng nhiều Bộ, ngành, địa phương đã phản đối, thậm chí với lý do là: “Vì công việc nhiều. Nếu sáp nhập thì sẽ không đủ người đi họp”!?.
Chỉ giữ ổn định 4 sở
Giữa năm 2017, Bộ Nội vụ trình dự trình dự thảo nghị định về sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Dự thảo này lập tức gây bão khi nay cả các Bộ ở trung ương cũng bày tỏ… quan ngại.
Theo dự thảo mới, trong số hơn 20 sở, ngành, cơ quan tham mưu giúp việc thì chỉ có 4 sở được Bộ này đề xuất tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước, nhằm bảo đảm giữ ổn định và phát huy hiệu quả của mô hình tổ chức sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực hoặc sở tham mưu quản lý chuyên ngành, chuyên sâu có tính ổn định cao gồm: Sở Tư pháp; Tài nguyên – Môi trường; Lao động- Thương binh và Xã hội và Sở Y tế.
Đối với các sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông vận tải; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương; giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông, Bộ này đề xuất trao thẩm quyền cho UBND trình HĐND quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất lại với nhau.
Riêng với các Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND, Dự thảo cũng đề xuất tổ chức thí điểm hợp nhất với Ban Tổ chức tỉnh, Uỷ ban Kiểm tra tỉnh và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND cấp tỉnh.
Những đề xuất “khốc liệt”
Nhưng đáng chú ý, Bộ Nội vụ còn đề xuất áp cả quy định “cứng” về số lượng sở, ngành, cơ quan tham mưu giúp việc theo hướng: Hà Nội, TP HCM không được quá 20 sở, ngành. Các tỉnh còn lại từ 17- 19 sở, ngành. Theo Bộ Nội vụ, nếu theo phương án trên thì sẽ giảm tối thiểu được 46 sở.
Vẫn chưa hết, phương án thứ hai được Bộ Nội vụ đề xuất là Hà Nội, TP HCM không quá 20 sở, ngành, các tỉnh, thành còn lại không quá 17- 18 sở ngành. Nếu thực hiện theo phương án này sẽ giảm tối thiểu được 88 sở, ngành trên phạm vi cả nước.
Như vậy, có thể thấy những đề xuất của Bộ Nội vụ lần này mang tính chất “khốc liệt” hơn lần trước. Có thể, đây là hiệu ứng của Nghị quyết Trung ương 6 gần đây về tổ chức, cơ cấu lại, tinh gọn bộ máy cả hành chính và sự nghiệp. Đơn giản là vì, như nhận thức của Trung ương từ đầu nhiệm kỳ, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy là một trong những yêu cầu bắt buộc, quan trọng, gốc rễ để cải cách hành chính được đẩy mạnh, hiệu lực, hiệu quả của nhà nước được tăng cường.
Không thể không thực hiện những giải pháp gốc rễ này, không chỉ vì đây là một chủ trương, định hướng đúng đắn, mà còn là yêu cầu của thời cuộc, của hội nhập. Đơn giản nhìn vào khía cạnh kinh tế, khi các FTA bắt đầu có hiệu lực, sức ép lên ngân sách do chi thường xuyên đã tăng lên. Đâu đó có con số quý 1/2018, chi thường xuyên đã lên tới 76%.
Nguyên lý đơn giản ai cũng hiểu, là bộ máy càng to thì chi thường xuyên càng lớn. Bộ máy càng nhỏ thì chi thường xuyên càng nhỏ. Đương nhiên, khó khăn trong cắt giảm bộ máy là có thật. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng: khi hệ thống chính trị có quyết tâm mạnh mẽ, vì lợi ích chung, thì chuyện cắt giảm không phải không thể. Trường hợp dừng hoạt động của ba ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ là một điển hình. Dĩ nhiên, giải quyết những vấn đề sau khi ba ban chỉ đạo này dừng hoạt động cũng là vấn đề. Nhưng rõ ràng, áp lực sẽ giảm đi đáng kể nếu kiên quyết và tuân thủ nguyên tắc thị trường.
Trước yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững, cải cách bộ máy, tinh gọn đầu mối là một chủ trương đúng đắn và phải thực hiện nghiêm chỉnh. Tính đến giờ, chưa thấy có bộ, ngành, địa phương nào lên tiếng phản ứng với đề xuất “khốc liệt” của Bộ Nội vụ.
Có lẽ đó cũng là tín hiệu tốt lành. Nó báo hiệu một giai đoạn mới trong việc ban hành chính sách và thực hiện kỷ luật hành chính. Vậy thì, sáp nhập phòng, sở, cớ gì còn phải lăn tăn?
(Theo enternews.vn)