Huyện Cai Lậy: Nỗ lực giảm nghèo bền vững
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, huyện Cai Lậy đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng cao thu nhập. Trong đó, huyện huy động sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể các cấp nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả.
Từ vốn vay ưu đãi, chị Trần Thị Diễm (ấp 4, xã Cẩm Sơn) đã có điều kiện nâng cao thu nhập gia đình. |
Thời gian qua, bằng giải pháp hỗ trợ vốn vay, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách về nhà ở, y tế, giáo dục…, huyện Cai Lậy đã từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao mức sống người dân.
Các chương trình giảm nghèo đa chiều được thực hiện hiệu quả với cách tiếp cận hộ nghèo linh hoạt, sâu sát, đúng đối tượng đã giúp nâng cao ý thức và tạo động lực giúp hộ gia đình thoát nghèo.
Đặc biệt, các đoàn thể tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, trợ vốn gắn với nhu cầu, phương án thoát nghèo cụ thể. Đến tháng 6-2018, tổng dư nợ vốn vay do các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý trên 61 tỷ đồng đã hỗ trợ hàng ngàn hội viên sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện để phụ nữ vươn lên.
Từng là hộ nghèo ở ấp 4 (xã Cẩm Sơn), nhưng giờ đây, kinh tế gia đình chị Trần Thị Diễm đã ổn định nhờ vào vốn vay ưu đãi và mô hình chăn nuôi hiệu quả. Trước đây, chồng chị làm thuê, chị may gia công túi xách thu nhập chỉ đắp đổi qua ngày.
Vay 9 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang, chị Diễm đã mua dê về nuôi. Chăm sóc chu đáo nên sau 2 đợt xuất bán dê thịt và con giống, chị thu lãi khá. Cuối năm 2017, gia đình chị Diễm được công nhận thoát nghèo.
“Trước đây do thiếu vốn nên gia đình không có điều kiện chăn nuôi. Từ khi có vốn vay, vợ chồng tôi mạnh dạn làm chuồng nuôi dê thịt và dê sinh sản. Từ đó, thu nhập của gia đình dần được cải thiện, giờ cuộc sống đã ổn định hơn trước” - chị Diễm chia sẻ.
Để đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, huyện Cai Lậy đã nhân rộng các mô hình tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm cho lao động nông thôn. Điển hình tại xã Tân Phong, ngoài tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, xã khuyến khích phát triển mô hình may nón bàng buông, đan lát, may túi xách… giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi trên địa bàn.
Gần 10 năm hoạt động, điểm may nón bàng buông của anh Trương Hữu Vinh (ấp Tân Thiện, xã Tân Phong) tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 40 lao động trong xã. Tùy công đoạn may, ép nón, cắt chỉ, đóng gói…, mỗi lao động tại cơ sở của anh Vinh có thu nhập từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng/tháng.
Anh Vinh cho biết: “Trước đây, tôi gia công số lượng hàng ít nên lao động chủ yếu là thành viên trong gia đình. Hiện nay, cơ sở có đơn hàng ổn định tại thị trường các nước châu Âu, với trung bình mỗi tháng cung ứng hơn 60.000 sản phẩm nên tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã. Đa số lao động ở đây là phụ nữ, do các công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo”.
Nắm bắt kịp thời chủ trương của Đảng và Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vận dụng linh hoạt vào thực tế địa phương, huyện Cai Lậy đã giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập người dân.
Thực hiện Quyết định 59/2015 ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, hộ nghèo trên địa bàn huyện có cơ hội tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.
Theo Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Cai Lậy, năm 2017, trên địa bàn huyện có 388 hộ thoát nghèo, từ đó giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,2%, hộ cận nghèo còn 3,67% so với dân số toàn huyện.
Tuy nhiên, số hộ thoát nghèo chỉ mới vượt qua chuẩn nghèo về thu nhập hoặc giảm thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản nên phần lớn rơi vào diện cận nghèo, cần tiếp tục được trợ giúp. Bên cạnh đó, số hộ nghèo phát sinh cũng là thách thức không nhỏ khi triển khai các giải pháp giảm nghèo bền vững.
Theo kế hoạch năm 2018, huyện Cai Lậy sẽ hỗ trợ 210 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 2,79% so với dân số toàn huyện.
Để hoàn thành mục tiêu trên, các ban, ngành, đoàn thể huyện tập trung tuyên truyền chính sách giảm nghèo, huy động nguồn lực thực hiện trợ giúp xã hội, tiếp tục nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả; đồng thời, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn 16 xã.
Trong thực hiện các chính sách giảm nghèo, huyện đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu, phương án sản xuất - kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, được trợ giúp pháp lý, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở…
TRƯỜNG GIANG