.

Anh hùng kể chuyện đánh trận, chuyện tình yêu

Cập nhật: 09:23, 21/08/2018 (GMT+7)

Cuối đường vào ấp Mỹ Luận, xã Mỹ Hạnh Trung, TX. Cai Lậy có 1 căn nhà tuy không lớn, nhưng sạch sẽ, khang trang, ấm áp, được bao bọc bởi vườn cây xanh mát.

Vườn cây ấy, đã mấy năm rồi rất hiếm khi được chủ nhân chăm chút. Bởi Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Điện nay tuổi đã cao, ông được bà và các con chăm sóc.

Trong nếp sống giản dị và gần gũi, những dòng hồi tưởng chưa bao giờ ngừng chảy trong ông. Khi đồng đội đến thăm, khi thế hệ trẻ đến chào, những câu chuyện chiến đấu, chuyện tình yêu, trách nhiệm của thanh niên thời chiến lại tuôn trào, ấm áp, lan tỏa đến nhiều thế hệ.

CHUYỆN ĐÁNH TRẬN

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Điện tham gia cách mạng năm 1964, khi vừa tròn 22 tuổi và được phân công công tác tại đơn vị bảo vệ Tỉnh ủy Mỹ Tho.

Trong thời gian làm công tác bảo vệ, ông đã cùng đơn vị chiến đấu nhiều trận, đánh lùi các trận tiến công của địch vào khu căn cứ các cơ quan tỉnh và cùng đồng đội bắn cháy 5 máy bay địch, bảo vệ an toàn cơ quan. Sau đó, ông được đề bạt làm Đại đội trưởng, phụ trách một đại đội thuộc Tiểu đoàn 367 của khu.

Năm 1968, trong 1 trận chống càn của địch vào khu căn cứ, ông đã chỉ huy đại đội chặn đánh 1 cánh quân quan trọng của tiểu đoàn biệt kích Mỹ, ngụy. Dưới làn đạn của địch, đơn vị của ông vừa cơ động, vừa đánh địch mặt đất, vừa chống trả máy bay trên không, đã bẻ gãy hoàn toàn đợt tấn công của địch, thu rất nhiều súng đạn và quân trang quân dụng.

Cuối năm 1970, ông được cấp trên điều làm phái viên của khu xuống Tiểu đoàn 3. Trong lúc đơn vị hành quân đến tỉnh Kiến Tường thì gặp địch. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt, chỉ huy tiểu đoàn hy sinh, ông vừa tổ chức chiến đấu, vừa bảo vệ lực lượng và đưa 60 thương binh trở về nơi an toàn.

Tháng 10-1973, thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy, đơn vị của ông đã phối hợp với địa phương vây ép, bức rút 2 đồn địch. Sau 4 ngày, địch tháo chạy hoàn toàn khỏi đồn. Đơn vị của ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an toàn khu căn cứ Tỉnh ủy.

Ông đã tham gia rất nhiều trận đánh, bản thân ông không thể nhớ hết. Trong các tài liệu còn để lại, đã ghi nhận ông trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu trên 50 trận.

Ngoài nhiệm vụ chỉ huy chiến đấu, ông thường xuyên quan tâm giáo dục chiến sĩ, thương yêu đồng đội, tích cực chăm lo xây dựng đơn vị một cách toàn diện.

Chính vì vậy, ông được cấp trên tin tưởng, đồng đội quý mến. Những chiến công oanh liệt của ông đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ông được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 1 Huân chương Giải phóng hạng Nhì.

Ngày 24-1-1976, ông được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông tiếp tục công tác trong lực lượng Biên phòng, giữ nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang, đến năm 1991 về hưu.

CHUYỆN TÌNH YÊU

Bên cạnh những câu chuyện chiến đấu, còn có cả những kỷ niệm đời thường thời chiến tranh rất khó phai nhòa trong ông. Có lần ông “bật mí” cùng phóng viên một tờ báo câu chuyện hết sức cảm động.

Trong lần hành quân về Gò Công, đơn vị ông nghỉ chân trên địa bàn huyện Chợ Gạo. Có 1 thiếu phụ bồng con mừng rỡ chạy đến bên ông, rồi chợt sững sờ, thẹn thùng và thất vọng vì chị nhầm, tưởng là chồng chị, vì ông rất giống chồng chị.

Khi đó, ông đã nói dối với người phụ nữ ấy, mà theo ông, đó là lời nói dối mà ông cảm thấy hài lòng, rằng: “Trong đơn vị tôi có 1 anh rất giống tôi, như anh em sinh đôi vậy. Hôm nay anh ấy bị cảm không hành quân cùng đơn vị được, chị viết vài dòng gửi anh ấy, tôi giúp cho”.

Nói câu ấy trong khi ông không biết chồng của người thiếu phụ kia là ai, giờ hành quân nơi nào, cũng có thể là anh đã nằm lại ở chiến trường nào đó…

Rồi bất chợt, ông lại nghĩ về “một nửa” của mình. Cuộc chiến này chắc chắn sẽ kết thúc, ta sẽ thắng, nhưng khi nào? Nếu ông “không về”, “người ấy” sẽ ra sao?...

Vì thế, lần lữa mãi, khi đất nước thống nhất, năm 1981 ông mới kết hôn cùng người con gái vẫn bền lòng chờ ông. Trong số quà cưới tặng cô dâu, có cả bức thư thiếu phụ năm xưa.

Ông bà trân trọng kỷ niệm 1 lần nói dối của ông và ngày ngày bà vẫn thầm cầu mong người đồng đội chưa biết mặt của chồng may mắn trở về với vợ con.

Rời căn nhà ấm áp của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Điện, lòng tôi ấm áp về câu chuyện tình yêu và trách nhiệm đối với quê hương đất nước, đối với người mình yêu thật cảm động.

Thật khập khiễng khi so sánh cách nghĩ, sự cống hiến của tuổi trẻ bây giờ và tuổi trẻ của những ngày xưa ấy. Bởi vì, 2 điều kiện, 2 hoàn cảnh khác nhau, nhưng câu chuyện về tình yêu - trách nhiệm, nghĩ cho người mình thương như Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Điện đã kể, đáng để tuổi trẻ hôm nay soi mình vào đó để lựa chọn cho mình cách nghĩ, cách làm, định hướng tương lai, sự nghiệp, tình yêu và hôn nhân trong cuộc sống mỗi người.

THANH DUY

.
.
.