.

Quyết chí khởi nghiệp để được làm chủ

Cập nhật: 20:14, 10/12/2018 (GMT+7)

Chị Trần Thị Thảo được biết đến là chủ Cơ sở gấu bông Nhất Thiên (xã Bình Trưng, huyện Châu Thành) khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới 23 tuổi.

Cơ sở sản xuất này không chỉ mang lại cho chị doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Chị Thảo khởi nghiệp thành công với cơ sở sản xuất thú nhồi bông.
Chị Thảo khởi nghiệp thành công với cơ sở sản xuất thú nhồi bông.

KHỞI NGHIỆP TỪ SỰ YÊU THÍCH

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Khoa Thiết kế thời trang của Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang, chị Thảo vào làm công nhân cho một công ty may ở Khu công nghiệp Tân Hương.

Chỉ sau 3 tháng làm công nhân, chị quyết định nghỉ việc ở công ty để chuyển sang học nghề may thú nhồi bông ở Châu Đốc (tỉnh An Giang).

Chị Thảo cho biết: “Trong một lần tình cờ đến Châu Đốc, tôi có dịp ghé thăm một cơ sở sản xuất thú nhồi bông. Không hiểu sao lúc đó, công việc tạo ra những con thú nhồi bông ở cở sở này đã làm tôi cảm thấy thích thú.

Với bản tính thích là làm nên tôi đã không quản ngại đường xá xa xôi để tìm đến đây học nghề và mạnh dạn đề xuất với chủ cơ sở cho nhận hàng về Bình Trưng để may gia công. Thế là từ đó, tôi gắn bó với nghề may thú nhồi bông cho đến nay”.

Lúc đầu, chị Thảo nhận may gia công mỗi ngày chỉ khoảng 50 con thú nhồi bông. Tuy nhiên, hàng ngày càng nhiều và nhận thấy công việc may thú nhồi bông khá đơn giản lại phù hợp với nhiều người nên chị Thảo quyết định vay vốn từ nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh để thành lập Cơ sở gấu bông Nhất Thiên.

Vượt qua những ngày đầu hoạt động khó khăn, đến nay, cơ sở thú nhồi bông của chị Thảo sản xuất mỗi ngày từ 300 đến 500 con thú nhồi bông các loại và đủ kích cỡ.

“Tôi quyết định từ bỏ đi làm công nhân, với thu nhập có thể nuôi sống bản thân cũng như phụ giúp gia đình để khởi nghiệp với thú nhồi bông, vì đam mê và yêu thích. Hơn thế nữa, tôi muốn khởi nghiệp để làm chủ bản thân và nâng cao thu nhập; đồng thời, có thể tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác” - chị Thảo chia sẻ. 

TẠO VIỆC LÀM CHO NHIỀU LAO ĐỘNG

Hiện tại, Cơ sở gấu bông Nhất Thiên có hơn 30 lao động. Cô Nguyễn Thị Hồng Thắm (60 tuổi, ngụ xã Nhị Bình, huyện Châu Thành) đang làm việc tại cơ sở cho biết: “Được biết chỗ của Thảo cần người làm, lại không đòi hỏi tay nghề, nên tôi đã xin vào làm hơn 1 năm nay. Công việc nhẹ nhàng, phù hợp với tuổi tác, được bao bữa ăn trưa, thu nhập mỗi tháng gần 4 triệu đồng nên cuộc sống cũng ổn định”.

Từ khi thành lập cơ sở, chị Thảo đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư trang thiết bị, máy móc cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Trong đó, chị Trần Thị Huyền Trang (ấp Bình Trung, xã Bình Trưng), một trong những người được chị Thảo hỗ trợ mua máy công nghiệp phấn khởi cho biết: “Trước đây, khi chưa nhận hàng may của Cơ sở gấu bông Nhất Thiên, vợ chồng tôi đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Tân Hương từ sáng sớm đến chiều tối, con cái không ai chăm sóc. Từ khi được chị Thảo hỗ trợ kinh phí mua máy may, nhận hàng về nhà làm, tôi vừa có thu nhập lại vừa chăm sóc con cái, trông nom nhà cửa tốt hơn”.

Theo đa số người lao động đang làm việc tại Cơ sở gấu bông Nhất Thiên, mặc dù chị Thảo là chủ cơ sở nhưng rất gần gũi và thân thiện với các anh, chị em lao động. Có mẫu hàng mới nào, chị Thảo cũng đều tận tay hướng dẫn cho mọi người làm.

Chị Thảo đang quyết tâm tìm kiếm thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Bởi theo chị Thảo, có như thế thì mới có thể mở rộng cơ sở sản xuất và tạo nhiều việc làm hơn nữa cho người lao động.

Khi nói về chị Trần Thị Thảo, chủ Cơ sở gấu bông Nhất Thiên, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Trưng Nguyễn Thị Xem cho rằng, Thảo là cô gái trẻ dám nghĩ, dám làm và đã tạo việc làm ổn định, thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, nhất là chị em phụ nữ. Thảo thật sự là tấm gương sáng cho những bạn trẻ muốn theo đuổi ước mơ và vượt qua khó khăn để khởi nghiệp thành công.

P. MAI

.
.
.